Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 44
Xem với cỡ chữ

Tạo sự đồng thuận trong thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án đã xác định 7 quan điểm chỉ đạo lớn, mục tiêu chung và các mục tiêu cụ thể cùng với 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện với lộ trình của từng nhiệm vụ trong năm 2022 và giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030. Kèm theo đó là danh mục 25 thủ tục hành chính thiết yếu ưu tiên, tích hợp chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và danh mục 52 nhiệm vụ cụ thể thực hiện với phân công trách nhiệm và các mốc thời gian hoàn thành cụ thể để thực hiện Đề án.

Mục tiêu tổng thể của Đề án nhằm ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử, thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để phục vụ 5 nhóm tiện tích như sau: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Phục vụ công dân số; Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

 Đây được xem là việc số hóa thông tin dân cư một cách quy mô, bài bản, nhằm thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, khắc phục tình trạng thiếu thống nhất, nâng cao hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân. Thực hiện hiệu quả Đề án này cũng giúp tiết kiệm thời gian, công sức, cơ sở vật chất trong xây dựng và vận hành các cơ sở dữ liệu chuyên ngành, góp phần thúc đẩy xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Tại Bắc Kạn, ngày 14/3/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 155/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Kế hoạch nhằm triển khai hoàn thiện hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia, Căn cước công dân và phát triển hệ thống định danh và xác thực điện tử, tối ưu hóa, nâng cấp hệ thống đảm bảo cho việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, định danh và xác thực điện tử phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Để triển khai thực hiện Kế hoạch số 155/KH-UBND của UBND tỉnh, cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; sự tham gia tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh là yếu tố then chốt, quyết định, đảm bảo sự thành công cho công tác triển khai, thực hiện. Phân công trách nhiệm, xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, trọng tâm là phát triển ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số quốc gia, mang lại nhiều lợi ích trước mắt và lâu dài xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số giai đoạn 2022 - 2030.

Tính đến ngày 19/05/2022, tỉnh Bắc Kạn đã thành lập 01 Tổ công tác cấp tỉnh, 08/08 Tổ công tác cấp huyện, 108/108 Tổ công tác cấp xã và 1.292/1.292 Tổ công tác cấp thôn triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.

Đối với việc hướng dẫn, triển khai đến các sở, ngành, địa phương thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành thực hiện tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh phục vụ xác thực, chia sẻ thông tin công dân khi thực hiện thủ tục hành chính theo nguyên tắc không yêu cầu khai báo lại các thông tin đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Để triển khai nhiệm vụ bảo đảm cho hoạt động lập định danh điện tử đối với công dân được thu thập dữ liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; thực hiện giải quyết 100% yêu cầu của công dân về tạo lập danh tính điện tử cho công dân, hiện nay, Công an tỉnh đang triển khai cấp căn cước công dân và tài khoản định danh điện tử trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 17/5/2022 toàn tỉnh đã thu nhận 263.070 hồ sơ căn cước công dân; đã hoàn thiện và truyền dữ liệu 258.746 hồ sơ về Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an đề nghị cấp thẻ căn cước công dân; tổ chức cấp định danh điện tử cho công dân; tiếp nhận và trả thẻ căn cước công dân cho công dân sử dụng; tiếp tục triển khai thực hiện cấp căn cước công dân và định danh điện tử trên địa bàn tỉnh.

Công an tỉnh thực hiện thủ tục cấp căn cước cho công dân

Việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân, từng bước nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp và phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Dù đem lại lợi ích thiết thực, nhưng thách thức đặt ra trước mắt trong việc thực hiện Đề án 06 là không hề nhỏ. Cùng với đó, việc chuyển đổi thói quen, nếp nghĩ, cách làm của nhiều cấp, ngành và người dân còn chậm, khó có thể cho phép thực hiện ngay. Việc tiếp nhận hồ sơ lĩnh vực đăng ký quản lý cư trú của công dân trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến tại Công an cấp xã còn thấp; số công dân đăng ký tài khoản định danh điện tử trên toàn tỉnh chưa nhiều. Lý do đại bộ phận công dân trên địa bàn tỉnh trình độ dân trí không đồng đều; một số người dân tộc thiểu số không biết tiếng phổ thông, không biết chữ, ít sử dụng thậm chí chưa từng sử dụng smartphone, máy vi tính; tại một số thôn vùng cao chưa có cáp internet, sóng của các mạng viễn thông không ổn định…nên khả năng tiếp cận và thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến gặp nhiều khó khăn.

Việc triển khai thực hiện những việc mới, liên quan đến nhiều người, nhiều ngành sẽ khó tránh khỏi những vướng mắc ban đầu. Trong thời gian tới, công tác tuyên truyền sẽ được tiếp tục đẩy mạnh dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, người dân; tạo sự đồng thuận, khuyến khích các tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia thực hiện các thực hiện các nội dung của Đề án 06, góp phần đảm bảo tiến độ thực hiện chung của toàn tỉnh như Kế hoạch số 155/KH-UBND đã đề ra./.

Nguyễn Nga