Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 20/10/2022 - Lượt xem: 40
Xem với cỡ chữ

Phấn đấu 100% CSDL Ngành Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng chia sẻ, kết nối với các CSDL dùng chung

100% TTHC có đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4; 50% số DVCTT mức độ 4 được tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia. 80% thiết bị trong điều tra, khảo sát, quan trắc, đo đạc sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, trong đó 70% tích hợp giải pháp thông minh sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT). 100% CSDL tài nguyên và môi trường sẵn sàng chia sẻ, kết nối với các CSDL dùng chung. Đây là một trong số rất nhiều những mục tiêu chuyển đổi số được Ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn tập trung thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2025.

Thực hiện quan trắc, lấy mẫu không khí tại huyện Na Rì

Tập trung phát triển nền tảng cho chuyển đổi số

Trên cơ sở xác định những mục tiêu cụ thể, trước mắt và lâu dài, Ngành Tài nguyên và Môi trường đã và đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm phát triển toàn diện nền tảng cho chuyển đổi số, trong đó nhiệm vụ chuyển đổi nhận thức được xác định là quan trọng và xuyên suốt.

Bằng việc phân giao trách nhiệm cho các cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt trong việc tham mưu các nội dung về chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình phụ trách; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với Nghị quyết, chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động; nêu gương, truyền cảm hứng, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, vai trò của người đứng đầu, người lãnh đạo được đặt lên hàng đầu trong việc chuyển đổi số của ngành. Cùng với đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho đội ngũ công chức, viên chức; việc đổi mới lề lối, phương thức làm việc, xây dựng văn hóa công sở mới phù hợp với quá trình phát triển Chính phủ số cũng thể hiện quyết tâm của ngành trong thực hiện chuyển đổi số.

Song song với việc thay đổi nhận thức, nhiệm vụ kiến tạo thể chế cho chuyển đổi số cũng là nhiệm vụ quan trọng mà Ngành Tài nguyên và Môi trường chú trọng, thông qua việc tập trung xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện có hiệu quả trong công tác chuyển đổi số. Xây dựng và ban hành các quy định về thu thập, tạo lập, quản lý, cung cấp toàn diện nguồn tài nguyên số về tài nguyên và môi trường; Quy định trong chia sẻ, kết nối, khai thác, sử dụng dữ liệu của ngành tài nguyên và môi trường tại địa phương (theo phân cấp); Triển khai các mô hình mới về kiểm soát ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, các chỉ tiêu cụ thể cho đánh giá công nghệ xử lý chất thải; Các quy định về bảo đảm an toàn thông tin mạng về thông tin của tài nguyên môi trường trên môi trường mạng.

Nhằm từng bước phát triển, làm giàu cơ sở dữ liệu; bảo đảm nền tảng về dữ liệu là hạ tầng quan trọng, cốt yếu cho chuyển đổi số Ngành tài nguyên và môi trường, bên cạnh việc triển khai thực hiện tốt hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh; đảm bảo hoạt động lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền trên môi trường số; triển khai họp trực tuyến, họp không giấy, ký số..., Ngành cũng đang  chú trọng xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về tài nguyên và môi trường trên cơ sở kiến trúc, tiêu chuẩn, quy chuẩn, dịch vụ chia sẻ thống nhất.

Một mặt, toàn Ngành tập trung tổ chức số hóa 100% dữ liệu chuyên ngành tài nguyên và môi trường. Mặt khác, chú trọng đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoa học kỹ thuật để chủ động phòng ngừa, ứng phó với các nguy cơ, tác động tiêu cực của quá trình chuyển đổi số; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy hoạt động trên môi trường số.

Tổ chức tập hợp, số hóa nội dung, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu văn bản hành chính, cơ sở dữ liệu nội bộ, ứng dụng triển khai công nghệ khai phá, xử lý văn bản đáp ứng nhu cầu chỉ đạo, điều hành, thực hiện công tác hành chính. Thực hiện tốt quy chế thu thập, quản lý, khai thác, chia sẻ và sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống kho dữ liệu tài nguyên và môi trường, sử dụng giải pháp công nghệ quản lý dữ liệu lớn nhằm quản lý toàn diện tài nguyên số về tài nguyên và môi trường.

Cùng với đó, từng bước cung cấp các nền tảng dữ liệu số tài nguyên và môi trường phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh… Xây dựng, phát triển nền tảng dữ liệu mở của ngành, đáp ứng thu nhận dữ liệu từ các hệ thống dữ liệu liên quan đến ngành tài nguyên môi trường trong toàn tỉnh và quốc gia, thiết bị cảm biến, dữ liệu chia sẻ từ người dân, doanh nghiệp, cộng đồng… Phát triển các nền tảng ứng dụng, di động cung cấp các dịch vụ, xử lý, tư  vấn, khai thác dữ liệu thông tin về tài nguyên và môi trường.

Công tác bảo đảm an ninh, bảo mật thông tin và an toàn dữ liệu cũng là một nhiệm vụ được siết chặt của toàn Ngành trong thời gian tới nhằm phòng chống hiệu quả các hoạt động phá hoại, thâm nhập hệ thống quản lý, giám sát, điều hành chính quyền điện tử bảo đảm an toàn, an ninh mạng;

Cùng với việc xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin định kỳ cho các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu; kiểm tra, đánh giá, diễn tập bảo đảm an toàn thông tin mạng; triển khai các phương án bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ đã được phê duyệt, trong thời gian tới, Ngành Tài nguyên và Môi trường cũng có kế hoạch tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin đội ngũ công chức, viên chức trong đơn vị. Rà soát hiện trạng, tăng cường đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao năng lực bảo đảm an toàn thông tin, phòng chống mã độc theo mô hình tập trung, ưu tiên cho các hệ thống cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp.

Phát triển chính quyền số - kinh tế số - xã hội số

Thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính quyền số, trong thời gian sắp tới, Ngành Tài nguyên và Môi trường tập trung phát triển, vận hành các hệ thống thông tin chuyên ngành sử dụng công nghệ thông minh phân tích, xử lý, trình bày thông tin, dữ liệu trên các nền tảng số phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, chỉ đạo, điều hành, chuyên môn nghiệp vụ của các đơn vị trong ngành và cung cấp dịch vụ thuận tiện, an toàn, nhanh chóng cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức.

Trong phát triển kinh tế số, ngành thể hiện vai trò trong việc cung cấp, chia sẻ dữ liệu, thông tin, sản phẩm công nghệ số cho xã hội. Phát triển các nền tảng số, dữ liệu số tạo ra các dịch vụ số về tài nguyên và môi trường phục vụ xã hội số, phát triển nền kinh tế số. Ứng dụng công nghệ số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.

Trong xây dựng xã hội số, cùng với chú trọng tuyên truyền, phổ biến, giải đáp chính sách pháp luật trên nền tảng số, sử dụng công nghệ tiên tiến hiện đại và đa dạng hóa giúp người dân, công đồng dễ tiếp cận, sử dụng, nâng cao nhận thức về tài nguyên và môi trường, Ngành cũng tập trung xây dựng các ứng dụng quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Phân tích và dự báo môi trường theo thời gian thực để giám sát, kịp thời xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai. Triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ số để ứng phó với biến đổi khí hậu.

***

Chuyển đổi số trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường là một nhiệm vụ quan trọng, không chỉ nâng cao hiệu quả trong quản lý, khai thác bền vững tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu mà còn từng bước góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường. Những nhiệm vụ và giải pháp mà Ngành Tài nguyên và Môi trường Bắc Kạn đặt mục tiêu thực hiện trong giai đoạn trước mắt và lâu dài chắc chắn sẽ mang lại những đóng góp quan trọng cho hoạt động chuyển đổi số của địa phương./.

Thu Hiền