Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 46
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn: Xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu để đẩy nhanh chuyển đổi số

Hiện nay, Chuyển đổi số là một nhiệm vụ tổng thể mang tính toàn diện, lâu dài được các địa phương đặc biệt chú trọng. Đối với tỉnh Bắc Kạn, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo các ngành đặc biệt quan tâm nhiệm vụ xây dựng và kết nối các cơ sở dữ liệu nhằm đẩy nhanh chuyển đổi số.

Hiện trạng xây dựng và kết nối cơ sở dữ liệu của tỉnh

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục duy trì, cập nhật dữ liệu cho các CSDL đã triển khai như: Số hóa tài liệu; CSDL về cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng; CSDL đất đai; CSDL môi trường; Kho CSDL tài nguyên môi trường; CSDL ngành giáo dục; CSDL quản lý giấy phép lái xe; CSDL về giá; CSDL hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử người dân; CSDL công chứng; CSDL quy hoạch xây dựng; CSDL du lịch.

Từ tháng 12/2019, tỉnh đã đưa vào sử phần mềm Quản lý hồ sơ lưu trữ, đồng thời tích hợp với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc để thực hiện việc kết nối và chuyển các hồ sơ văn bản phải lưu trữ theo quy định sang hệ thống quản lý hồ sơ lưu trữ điện tử. Đến nay, đã số hóa và đưa vào lưu trữ điện tử được 171 hộp hồ sơ. Thực hiện Kế hoạch số 797/KH-UBND ngày 31/12/2020 của UBND tỉnh về số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương giai đoạn 2020 - 2025, hiện nay dữ liệu về kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan, địa phương đang được số hoá và cập nhật vào CSDL này.

CSDL đất đai của 04/08 huyện, thành phố gồm Ngân Sơn, Chợ Đồn, Na Rì và thành phố Bắc Kạn tiếp tục được duy trì khai thác tốt. Ngoài ra, ngành chuyên môn cũng đã thực hiện xây dựng CSDL cho 02 huyện (Ba Bể, Pác Nặm). CSDL đất đai được đưa vào hoạt động đã phục vụ tốt công tác chỉnh lý biến động
đất đai, cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác. Các nghiệp vụ chuyên môn về quản lý đất đai được thao tác và xử lý trực tiếp trên phần mềm và thực hiện trên môi trường mạng. Hiện nay cơ quan chuyên môn đang thực hiện việc khảo sát, lập thiết kế kỹ thuật - dự toán xây dựng CSDL đất đai đối với
2 huyện còn lại là Chợ Mới, Bạch Thông. Theo dự kiến đến năm 2023 hoàn thành việc xây dựng CSDL đất đai của 08/08 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng và đưa vào hoạt động từ năm 2020, phần mềm CSDL môi trường đã đáp ứng các yêu cầu quản lý, khai thác sử dụng, cập nhật dữ liệu môi trường; tạo lập được bộ CSDL môi trường thống nhất từ việc chuẩn hóa, đồng bộ; kiểm soát ô nhiễm môi trường và các tai biến thiên nhiên; phổ biến thông tin dữ liệu môi trường tỉnh Bắc Kạn đến nhiều đối tượng sử dụng; triển khai CSDL và Hệ thống hệ thống tiếp nhận, quản lý số liệu quan trắc tự động, liên tục nước, khí thải trên địa bàn tỉnh để tiếp nhận thông tin dữ liệu môi trường từ các cơ sở sản xuất phục vụ công tác kiểm soát, giám sát môi trường kịp thời phát hiện ô nhiễm để có biện pháp xử lý, đồng thời truyền tải thông tin dữ liệu về Trung ương.

Trong lĩnh vực giáo dục, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã được điện tử hóa các loại sổ sách quản lý (kế hoạch dạy học, thời khóa biểu, sổ điểm, học bạ, sổ liên lạc, quản lý xét tốt nghiệp THCS, thi và xét tuyển sinh vào lớp 10, thi nghề phổ thông, thi chọn học sinh giỏi các cấp...) bằng phần mềm giúp giảm thiểu được hệ thống hồ sơ, sổ sách giấy, thống kê của nhà trường, tạo lập được CSDL thông suốt trong ngành; tạo lập CSDL văn bằng, chứng chỉ đã cấp cho người học; tạo lập CSDL chất lượng giáo dục các trường trong tỉnh...

Website của Trường THPT Chuyên Bắc Kạn chia sẻ dữ  liệu phục vụ giảng dạy và học tập

Bên cạnh đó, tỉnh đang tiếp tục duy trì sử dụng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ từ năm 2019 và triển khai kết nối, đưa vào khai thác 10/13 dịch vụ chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Đối với các dịch vụ còn lại đang trong quá trình từng bước hoàn thiện việc kết nối theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và
Truyền thông và các Bộ, ngành chủ quản hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL). Trong năm 2021, tỉnh Bắc Kạn đã kết nối thành công đến CSDL quốc gia về dân cư và tích hợp dịch vụ công của tỉnh lên hệ thống thanh toán trực tuyến
Paygov của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Nhìn chung dữ liệu chuyên ngành hiện có của tỉnh còn rải rác, phân tán ở các ngành chủ yếu phục vụ cho hoạt động quản lý của chính ngành chủ quản, chưa được tích hợp, liên thông, chia sẻ để các ngành, địa phương cùng khai thác, sử dụng. Đồng thời dữ liệu cũng chưa đầy đủ, còn có sự thiếu sót, sai lệch, không khớp và chưa đảm bảo tính chuẩn xác.

Giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ phục vụ chuyển đổi số

Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang trong quá trình xem xét, triển khai 09 CSDL mới gồm: CSDL kinh tế - xã hội của tỉnh; CSDL về công tác dân tộc; CSDL tiền lương; CSDL bệnh án điện tử; CSDL ngành Công Thương; CSDL hồ sơ giải quyết TTHC; CSDL giáo dục nghề nghiệp - đào tạo nghề; CSDL thông tin địa chất và khoáng sản tỉnh Bắc Kạn; CSDL quản lý khoa học và công nghệ tỉnh.

Tuy nhiên, để xây dựng được cơ sở dữ liệu đồng bộ và kết nối liên thông phục vụ hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng như đáp ứng được yêu cầu của người dân, UBND tỉnh chỉ đạo thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần xác định “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể phục vụ”; thường xuyên chỉ đạo, rà soát, đánh giá chất lượng dữ liệu và tình hình sử dụng, tái cấu trúc quy trình để sử dụng hiệu quả hoặc kế thừa dữ liệu số, xem việc cung cấp dịch vụ số cho người dân, doanh nghiệp là một kết quả, đầu ra, là tạo ra “giá trị tăng thêm” của dữ liệu số.

UBND tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, lĩnh vực chủ động rà soát các hệ thống thông tin, CSDL đã triển khai đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu; cung cấp thông tin dữ liệu sẵn sàng chia sẻ và giải pháp kết nối, chia sẻ dữ liệu để các sở, ngành khác xem xét, sử dụng khi có nhu cầu. Đảm bảo việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước cũng như Kho dữ liệu chung của tỉnh và cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp trong phạm vi quản lý cho phép.

UBND tỉnh cũng sẽ sớm ban hành Quy chế khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu của tỉnh; Quy chế, quy định kết nối, chia sẻ, khai thác, cung cấp dữ liệu mở của tỉnh; Danh mục dữ liệu mở của tỉnh… Bên cạnh đó, các sở, ngành có quản lý, vận hành các Hệ thống thông tin, CSDL cũng cần chủ động rà soát và ưu tiên sử dụng dữ liệu gốc đã được các ngành khác cung cấp và chia sẻ; kết nối, chia sẻ dữ liệu về Kho dữ liệu dùng chung của tỉnh; rà soát, xây dựng hướng dẫn, quy chế/quy định khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu của cơ quan, đơn vị.

Đồng thời nghiên cứu triển khai xây dựng Kho dữ liệu của tỉnh, đảm bảo xử lý đa dạng các loại dữ liệu (có cấu trúc, bán cấu trúc, phi cấu trúc); hợp nhất dữ liệu từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau, làm sạch, sống, chuẩn hóa phục vụ khai phá, phân tích dữ liệu lớn, hỗ trợ ra quyết định dựa trên dữ liệu, sử dụng dữ liệu để tạo ra giá trị mới, phát triển các sản phẩm/dịch vụ mới./.

Nguyễn Nga