Thứ Ba, 08/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 51
Xem với cỡ chữ

Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của tỉnh trên cả 2 phương diện: Tăng tỷ lệ cung cấp DVCTT và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế phát sinh. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của tỉnh, xây dựng chính quyền số và xã hội số ngày càng toàn diện là mục tiêu tỉnh Bắc Kạn đặt ra trong thực hiện Kế hoạch Nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh vừa được UBND tỉnh ban hành.

Người dân thực hiện TTHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Bắc Kạn

Đặt chỉ tiêu cho từng nhóm đối tượng cụ thể

Để đạt được mục tiêu kép: Tăng tỷ lệ cung cấp DVCTT và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến thực tế phát sinh, UBND tỉnh đã chia nhóm đối tượng và giao chỉ tiêu cụ thể về cung cấp, sử dụng DVCTT cho các địa phương, sở ngành của tỉnh. Trong đó:

19 đơn vị cấp tỉnh được chia thành 4 nhóm

Nhóm 1 (7 đơn vị): Văn phòng UBND tỉnh; Sở Giáo dục và Đào tạo; Sở Công Thương; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Tài chính;

Nhóm 2 (4 đơn vị): Sở Y tế; Sở Xây dựng; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông;

Nhóm 3 (4 đơn vị): Sở Giao thông vận tải; Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch; Ban Dân tộc; Ban Quản lý các Khu công nghiệp

Nhóm 4 (4 đơn vị): Thanh tra tỉnh; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Tư pháp; Sở Nội vụ

Các huyện, thành phố được chia thành 2 nhóm

Nhóm 1 (5 đơn vị): Thành phố Bắc Kạn, Huyện Chợ Mới, Huyện Bạch Thông, Huyện Chợ Đồn, Huyện Ngân Sơn

Nhóm 2 (3 đơn vị): Huyện Pác Nặm, Huyện Ba Bể, Huyện Na Rì

Chỉ tiêu (1) về tỷ lệ TTHC đủ điều kiện được cung cấp DVCTT toàn trình yêu cầu cả 4 nhóm cấp tỉnh (100% sở ngành) và 2 nhóm cấp huyện (100% huyện, thành phố) đạt 100%.

Chỉ tiêu (2) về tỷ lệ TTHC có phát sinh hồ sơ trực tuyến ở cấp tỉnh giảm dần từ nhóm 1 đến nhóm 4 lần lượt là 90%, 80%, 70% và 60%. Ở cấp huyện, tỷ lệ này ở cả hai nhóm là 50%.

Chỉ tiêu (3) về tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến cấp tỉnh giảm dần từ nhóm 1 đến nhóm 4 lần lượt là 90%,70%, 50%, 30%. Ở cấp huyện, tỷ lệ này ở nhóm 1 là 12%, nhóm 2 là 8%.

Tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Để thực hiện thành công các nhiệm vụ đặt ra, công tác tuyên truyền được xác định là nhiệm vụ quan trọn hàng đầu. Do đó, UBND tỉnh đã giao cơ quan chuyên môn nghiên cứu, xây dựng các tài liệu tuyên truyền về DVCTT, Chuyển đổi số để các sở, ngành, địa phương cùng sử dụng. Đồng thời chỉ đạo các địa phương, đơn vị tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức; bồi dưỡng, tập huấn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp nhận, sử dụng hiệu quả các DVCTT do cơ quan nhà nước cung cấp. Khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân, doanh nghiệp tham gia học tập trên nền tảng học trực tuyến đại trà MOOCs. Các hội, đoàn thể triển khai/lồng ghép các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về DVCTT đến các đoàn viên, hội viên.

UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT như giảm thời gian xử lý hồ sơ; tham mưu ban hành văn bản giao chỉ tiêu về cung cấp, sử dụng DVCTT hàng năm. Các sở, ngành, chính quyền cấp huyện, xã cần nghiên cứu, lựa chọn ban hành danh mục DVCTT chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến.

Theo lộ trình, trong quý III - IV/2022, UBND tỉnh giao Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng phương án rà soát TTHC đủ điều kiện cung cấp thành DVCTT và tổ chức tập huấn hướng dẫn rà soát, lựa chọn tối đa TTHC đủ điều kiện cung cấp thành DVCTT cho các đơn vị, địa ph ương.

Sau khi được tập huấn, nhiệm vụ của các địa phương, đơn vị trong thời gian tới là rà soát, lựa chọn tối đa các TTHC đủ điều kiện cung cấp thành DVCTT toàn trình để đề nghị cơ quan chuyên môn thẩm định. Trên cơ sở đó, sau khi UBND tỉnh có Quyết định ban hành danh mục DVCTT toàn trình, cơ quan chuyên môn thực hiện rà soát, cấu hình, tạo biểu mẫu điện tử ... cho các DVCTT trên Cổng DVC của tỉnh, các đơn vị sẽ tiếp tục thực hiện tái cấu trúc, đơn giản hoá TTHC trên cơ sở ứng dụng CNTT, công nghệ số tối đa trong cung cấp và xử lý DVCTT. Từng bước rà soát, đề xuất DVCTT đáp ứng yêu cầu trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Đồng thời thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT.

Song song với đó, các đơn vị cần chú trọng thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực; số hóa hồ sơ tiếp nhận TTHC tại Bộ phận Một cửa. Chuẩn hóa dữ liệu TTHC, đảm bảo dữ liệu TTHC được đồng bộ, thống nhất giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia.

Để từng bước hoàn thiện hạ tầng, đảm bảo các điều kiện thuận lợi cho cung cấp, sử dụng DVCTT, UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị để kết nối, khai thác dữ liệu hiệu quả từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu dùng chung của bộ ngành trung ương và của tỉnh. Phối hợp với Cục Tin học hóa – Bộ Thông tin và Truyền thông sớm kết nối toàn diện, triệt để Cổng Dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử (Hệ thống thông tin giải quyết TTHC) của tỉnh với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông (trong quý III năm nay). Đồng thời phối hợp với Công an tỉnh hoàn thiện kết nối Hệ thống Cổng Dịch vụ công/Hệ thống một cửa điện tử (Hệ thống thông tin giải quyết TTHC) của tỉnh đến Hệ thống định danh và xác thực điện tử. Phối hợp với các đơn vị triển khai đồng bộ Hệ thống hỗ trợ thanh toán trực tuyến Paygov trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện TTHC.

Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT mà tỉnh Bắc Kạn xác định dựa trên nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tận dụng tối đa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) của các Bộ, ngành trung ương và của tỉnh phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) một cách hiệu quả, góp phần hiện đại hoá và đơn giản hoá TTHC.

Bên cạnh đó, các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT cũng phải đảm bảo đồng bộ với việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 468/QĐTTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ…/.

Thu Hiền