Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” nhằm mục tiêu kép vừa phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.
Bên cạnh đó, chương trình cũng xác định quan điểm: Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; người dân là trung tâm của chuyển đổi số; thể chế và công nghệ là động lực của chuyển đổi số; phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững, đồng thời là phần xuyên suốt, không thể tách rời của chuyển đổi số. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.
Xác định nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số; chuyển đổi số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách số thông qua việc phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân về chuyển đổi số. Các hội nghị tuyên truyền về chương trình chuyển đổi số quốc gia, hội nghị tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số đã được ngành chức năng tổ chức thường xuyên tại cấp tỉnh, cấp huyện.
Thực tế triển khai cho thấy, chuyển đổi số chỉ thành công khi được người dân hiểu, hưởng ứng, tham gia, người dân trở thành công dân số, có các hoạt động được đưa lên môi trường số. Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và tham khảo những cách làm sáng tạo để giúp người dân chuyển đổi số, tỉnh Bắc Kạn đã học tập sáng kiến thành lập “Tổ công nghệ số cộng đồng” thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực. Từ tháng 4/2022, tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các địa phương thành lập và triển khai hoạt động của tổ công nghệ số cộng đồng ở mỗi xã, phường, thị trấn, thôn, bản. Qua đó nhằm mục tiêu tuyên truyền để người dân nhận thức rõ, đúng, về chuyển đổi số, đồng thời đưa công nghệ số nhanh chóng lan tỏa đến mọi mặt của đời sống và đến từng người dân.
Kế hoạch số 265/KH-UBND ngày 25/4/2022 của UBND tỉnh triển khai thí điểm Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn nhằm triển khai có hiệu quả nền tảng số, công nghệ số đến từng ngõ ngách, gắn với cuộc sống của người dân. Tổ công nghệ số cộng đồng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu và tạo ra giá trị thiết thực.
Chợ Mới là một trong số các huyện thành lập sớm tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tính đến ngày 04/5/2022, toàn huyện Chợ Mới đã thành lập được 14 tổ cấp xã và 14 tổ cấp thôn. Các tổ công nghệ số cộng đồng đã thực hiện thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, tổ dân phố. Cung cấp, cập nhật thông tin, các báo cáo về chuyển đổi số tại các cuộc họp tại xã, thôn. Thành lập các nhóm zalo tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn và cấp thôn, tổ. Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Hướng dẫn cách tạo tài khoản và đăng ký gian hàng trực tuyến để giao dịch, mua bán hàng trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn, Voso.vn; tạo tài khoản ví điện tử của Viettel, VNPT.
Nông dân Bắc Kạn đưa sản phẩm lên sàn Postmart.vn
Chuyển đổi số cần thực hiện trên cả ba trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Để chuyển đổi số thành công, trước hết cần phải có sự vào cuộc và hành động đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành. Trước mắt, cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số; người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật nhằm điều chỉnh các mối quan hệ mới phát sinh trong quá trình chuyển đổi số; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, khuyến khích đổi mới, sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư vào tỉnh. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng sẵn sàng tham gia vào quá trình chuyển đổi số.
Trong thời gian tới, song song với các hoạt động chuyển đổi số, tỉnh Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức phù hợp về chuyển đổi số. Mỗi cán bộ, đảng viên chủ động, tích cực học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ công nghệ thông tin, sẵn sàng tham gia tuyên truyền để lan tỏa lợi ích, ý nghĩa của ứng dụng công nghệ số, góp phần thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số trên địa bàn. Bên cạnh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, mỗi người dân, doanh nghiệp... cần thay đổi mạnh mẽ nhận thức về chuyển đổi số để không bỏ lỡ cơ hội phát triển./.