Dịch bệnh covid diễn biến mạnh trong 2 năm 2020 - 2021 đã gây ra nhiều hệ lụy đối với đời sống xã hội. Nhưng hoàn cảnh khó khăn đó lại là dấu mốc quan trọng đưa chuyển đổi số từng bước đi sâu vào mọi lĩnh vực của đời sống.
Trong thời gian giãn cách xã hội hay cách ly y tế vì dịch bệnh, người dân không thể đi lại để giải quyết những nhu cầu tối thiểu của cuộc sống như mua sắm lương thực, thực phẩm hàng ngày thì ngay lúc đó, thói quen tiêu dùng của người dân đã từng bước chuyển từ hình thức trực tiếp sang trực tuyến.
Giao hàng nhanh - Hình thức dịch vụ vận chuyển dựa trên nhu cầu mua sắm trực tuyến của người dân
Cũng trong hoàn cảnh dịch bệnh, các cơ quan Nhà nước được phục vụ người dân nhiều hơn thông qua các ứng dụng trực tuyến, điều hành, xử lý công việc trên môi trường mạng, tích cực sử dụng sử dụng hệ thống CNTT (Phần mềm quản lý văn bản, Cổng dịch vụ công, hệ thống hội nghị trực tuyến, thư điện tử...) để hạn chế tiếp xúc đông người, giảm lây lan dịch bệnh. Người dân, doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 thuộc phạm vi đơn vị cung cấp và thực hiện thanh toán trực tuyến các loại phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính khác trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm thiểu việc đi lại, tiếp xúc trực tiếp, tránh tụ tập đông người. Các dịch vụ công trực tuyến không chỉ đem đến sự tiện lợi cho người dân mà còn giúp tăng cường minh bạch hoá và hạn chế tiêu cực, lãng phí.
Công nghệ dựa trên nền tảng chuyển đổi số đã đem đến những sự hỗ trợ cần thiết cho người dân theo phương châm: sớm nhất, nhanh nhất, nhiều nhất và hiệu quả nhất có thể. Người dân trong tỉnh đã có thể sử dụng các ứng dụng di động thông minh để nhận tư vấn trực tuyến, hoặc đặt lịch hẹn với bác sỹ không chỉ nội tỉnh mà tại các bệnh viện lớn tuyến Trung ương.
Chuyển đổi số giúp các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, tiếp tục sản xuất kinh doanh trong môi trường an toàn, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, khắc phục khó khăn để bứt phá. Doanh nghiệp nào tiếp cận được nhiều khách hàng qua nền tảng trực tuyến sẽ ít bị ảnh hưởng hơn. Ngược lại, những doanh nghiệp hoạt động theo phương thức truyền thống đã bị tổn thương nặng nề vì dịch bệnh.
Trong thời kỳ phục hồi kinh tế hậu covid giai đoạn hiện nay, chuyển đổi số có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng. Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn đã sớm ban hành Nghị quyết về chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số, xây dựng đề án và ban hành kế hoạch trong thực hiện chuyển đổi số.
Muốn chuyển đổi số thành công cần bắt đầu từ nhận thức, nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số, phát hiện và lựa chọn đúng bài toán để giải quyết là quan trọng nhất. Chuyển đổi số không phải là thêm một nhiệm vụ mới mà là thêm một một phương thức phát triển mới. Chẳng hạn, họp trực tuyến đến cấp xã trên thiết bị cá nhân là thêm một công cụ để chúng ta có thể họp giải quyết công việc ngay lập tức, giảm bớt thời gian và chi phí, chứ không phải là thêm một cuộc họp.
Thay đổi nhận thức, thói quen vẫn là khó khăn và thách thức lớn nhất trong chuyển đổi số. Chuyển đổi số không phải là một khẩu hiệu, càng không thể làm theo phong trào; nó đòi hỏi đổi mới tư duy đi kèm với quyết tâm hành động. Đó là chưa kể, những khó khăn của thời kỳ hậu COVID
Trên tất cả, yếu tố con người phải giữ vai trò quyết định. Người dân cần được đặt vào trung tâm của quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số bao trùm chính là không để ai bị bỏ lại phía sau, tất cả cần được kết nối số.
Với tinh thần nhận thức phải đi trước một bước, Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác truyền thông chuyển đổi số, trong đó có việc khai thí điểm Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn trên địa bàn tỉnh từ cuối tháng 4/2022 đến nay.
Dưới sự định hướng của Sở Thông tin và Truyền thông, Tổ công nghệ số cộng đồng có trách nhiệm tuyên truyền để người dân nhận thấy lợi ích thiết thực đối với mình khi tham gia các dịch vụ công trực tuyến, hiểu rõ những tiện ích của dịch vụ công trực tuyến. Từ đó họ sẽ dần dần thay đổi cách làm, thậm chí họ sẽ tuyên truyền cho anh em, họ hàng và hàng xóm. Như vậy, thói quen truyền thống của người dân sẽ dần dần thay đổi.
Chuyển đổi số là một lộ trình dài hơi và còn không ít khó khăn ở một tỉnh miền núi như Bắc Kạn. Bên cạnh nỗ lực của các cấp chính quyền, mỗi người dân cần chủ động nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin để sẵn sàng đồng hành cùng chính quyền trong lộ trình chuyển đổi số, góp sức mình vào lộ trình chuyển đổi số của địa phương./.