Thứ Ba, 08/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 67
Xem với cỡ chữ

Chuyển đổi nhận thức trong sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện, minh bạch và tin cậy, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến… là nỗ lực của Bắc Kạn trong lộ trình chuyển đổi số giai đoạn hiện nay.

Cung cấp dịch vụ công trực tuyến là nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số. Thời gian qua, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo quyết liệt, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp.

Hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được tỉnh triển khai từ năm 2017. Tổng số đầu mối đơn vị sử dụng hiện nay là 133 đơn vị. Từ năm 2021 trở về trước, Hệ thống Một cửa điện tử được kết nối liên thông với phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc TD-Office, qua đó, văn bản kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được gửi trình ký, phát hành trên phần mềm TD-Office và gửi liên thông sang Hệ thống một cửa. Hiện tại, quy trình này liên thông giữa phần mềm quản lý điều hành I-office.

Cổng Dịch vụ công tỉnh Bắc Kạn được đưa vào sử dụng từ năm 2017, được triển khai theo hệ thống một cửa điện tử, một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh. Hệ thống được xây dựng đầy đủ các chức năng cơ bản để phục vụ việc đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến, thống kê, tra cứu thông tin... trong quá trình tiếp nhận và giải quyết dịch vụ công tại các cơ quan hành chính tỉnh Bắc Kạn. Năm 2019, hệ thống được nâng cấp đáp ứng các yêu cầu mới và đảm bảo liên thông, tích hợp các đơn vị trong tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia LGSP để đồng bộ hồ sơ, trạng thái xử lý, tích hợp các dịch vụ thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích và các dịch vụ khác lên Cổng dịch vụ công của tỉnh, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức đăng ký, sử dụng tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Kết quả bước đầu toàn tỉnh tạo được 3359 tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã phối hợp chặt chẽ với các huyện, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Một cửa điện tử. Sở cũng phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn, nâng cao kỹ năng cho cán bộ cấp huyện, xã về tiếp nhận, giải quyết thu tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến. Đồng thời chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc Sở thường xuyên cử cán bộ theo dõi, hỗ trợ vận hành các hệ thống dùng chung của tỉnh, xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đến từng huyện, xã.

Tính đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 54%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 29,55%.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ sử dụng nhằm nâng cao ý thức người dân, doanh nghiệp trong việc sử dụng DVCTT luôn được các đơn vị, địa phương quan tâm triển khai. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các đợt tập huấn khai thác, sử dụng dịch vụ công trực tuyến; tiếp nhận hồ sơ giải quyết TTHC cho đội ngũ công chức, viên chức phụ trách công tác CCHC tại các đơn vị, địa phương…thu hút nhiều lượt người tham dự. Bên cạnh đó, hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương đã góp phần đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân.

 Người dân đến trực tiếp Trung tâm hành chính công tỉnh để thực hiện thủ tục hành chính

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, việc nâng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn. Là tỉnh miền núi với nhiều thôn bản vùng cao, một bộ phận lớn người dân là người dân tộc thiểu số, nông dân, người lao động có trình độ tin học hạn chế. Nhiều người dân trong tỉnh còn chưa từng được tiếp xúc với máy vi tính chứ chưa nói đến những ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại khác. Đa số người dân vẫn lựa chọn cách truyền thống là đến trực tiếp cơ quan chức năng để thực hiện thủ tục hành chính khi cần.

Ngày 23/6/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Theo đó, các mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo 02 mức độ.

 Dịch vụ công trực tuyến toàn trình: Là dịch vụ bảo đảm cung cấp toàn bộ thông tin về thủ tục hành chính, việc thực hiện và giải quyết thủ tục hành chính đều được thực hiện trên môi trường mạng. Việc trả kết quả được thực hiện trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính công ích. Dịch vụ công trực tuyến một phần: Là dịch vụ công trực tuyến không bảo đảm các điều kiện quy định tại nội dung nêu trên.

Nghị định cũng nêu rõ: Cơ quan nhà nước ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số tối đa trong quá trình cung cấp và xử lý dịch vụ công trực tuyến trên môi trường mạng trừ trường hợp tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ phải hiện diện tại cơ quan nhà nước hoặc cơ quan nhà nước phải đi thẩm tra, xác minh tại hiện trường theo quy định của pháp luật.

Với các dịch vụ công trực tuyến cho phép tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên môi trường mạng, cơ quan nhà nước có trách nhiệm triển khai áp dụng chữ ký số công cộng, chữ ký số chuyên dùng cho các ứng dụng chuyên ngành đáp ứng yêu cầu về chữ ký số trong quá trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến; phát triển, sử dụng các biểu mẫu điện tử tương tác theo quy định; kết nối, khai thác dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu dùng chung của các cơ quan nhà nước khác để tự động điền các thông tin vào biểu mẫu điện tử và cắt giảm thành phần hồ sơ, bảo đảm nguyên tắc tổ chức, cá nhân chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Đồng hành với quyết tâm của Chính phủ trong việc nâng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, hiện nay tỉnh Bắc Kạn cũng đang nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức, huy động sự vào cuộc của các đơn vị, địa phương, tổ công nghệ số cộng đồng… nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dịch vụ công trực tuyến, đóng góp vào lộ trình chuyển đổi số của tỉnh./.

Nguyễn Nga