Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 76
Xem với cỡ chữ

Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia

Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ là nhiệm vụ chính trị hết sức quan trọng, không chỉ góp phần thực hiện thắng lợi công tác chuyển đổi số, mà còn đem lại giá trị to lớn cho đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế - xã hội.

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ triển khai trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thu được những kết quả bước đầu tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Qua đó góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức; tạo điều kiện thuận lợi và nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh được quan tâm đẩy mạnh đã góp phần giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân, từng bước nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp và phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Tính đến ngày 15/9/2022, toàn tỉnh đã thu nhận 273.030 hồ sơ căn cước công dân, đã truyền dữ liệu về Cục C06 269.462/273.030 đạt: 98,6%; tổng số thẻ đã tiếp nhận từ C06: 246.312 thẻ CCCD, đã trả thẻ cho công dân: 244.968/246.312 đạt 99,4%. Toàn tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận 47.412 hồ sơ cấp tài khoản định danh điện tử.

Bên cạnh đó, Công an tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc Công an cơ sở tiếp tục rà soát, đẩy mạnh công tác thu nhận hồ sơ cấp và trả thẻ căn cước công dân. Đến nay toàn tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành 07/11 chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư, cụ thể như sau: Thông báo số định danh công dân; Rà soát nhân khẩu vắng mặt tại nơi đăng ký thường trú không rõ nơi đến; Rà soát, cập nhật trạng thái các trường hợp thôi quốc tịch; Cập nhật đối tượng truy nã; Cập nhật đối tượng thi hành án; Cập nhật đối tượng quản lý theo pháp luật; Cập nhật đối tượng quản lý theo nghiệp vụ.

Nỗ lực xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia

Đối với việc triển khai thí điểm khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng CCCD gắn chip, sau khi Bảo hiểm xã hội tỉnh Bắc Kạn ban hành Văn bản số 457/BHXH-GĐBHYT ngày 02/8/2022 về chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ sở khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đẩy mạnh triển khai sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, chỉ tính riêng trong tháng 8 đã có 3.136 trường hợp sử dụng CCCD gắn chip thay bảo hiểm y tế để khám chữa bệnh. Con số này dự kiến sẽ còn gia tăng trong thời gian tới khi công tác tuyên truyền được đẩy mạnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn.

Tính đến ngày 15/8/2022, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã hoàn thành việc xây dựng phần mềm để kết nối thành công với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư … dịch vụ “Xác thực thông tin hộ gia đình”, kết nối thành công với nền tảng thanh toán quốc gia (Payment platform -PP); triển khai dịch vụ công “Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng” trên Cổng Dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam và đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ để tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia... Thời gian tới, Bảo hiểm xã hội tỉnh sẽ tiếp tục kết nối đầy đủ với các ngân hàng tham gia nền tảng thanh toán quốc gia, đồng thời truyền thông rộng rãi để người tham gia biết và sử dụng dịch vụ công này.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quần chúng nhân dân về nội dung Đề án 06 của tỉnh. Hình thức tuyên truyền chủ yếu thông qua các trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Zalo, facebook...) kết hợp với công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở tại cơ sở.

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền nội dung Đề án 06 đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động thông qua tại các buổi Hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt Đảng, đoàn thể. Thông qua đó nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án 06.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế nhất định. Tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia chưa cao, do phần lớn người dân chưa có thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mà thường xuyên đến trực tiếp trụ sở cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính. Kỹ năng, điều kiện, khả năng sử dụng Internet, điện thoại thông minh của công dân ở các vùng, miền khác nhau (đặc biệt là nơi vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, người cao tuổi...) còn nhiều hạn chế, gây khó khăn cho việc tiếp cận, hoàn tất hồ sơ, thủ tục khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên môi trường điện tử.

Đề án 06 có ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, nhằm cụ thể hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, góp phần cải cách thủ tục hành chính và giúp người dân thuận tiện nhất khi thực hiện thủ tục thông qua môi trường số, chuyển từ thói quen dùng giấy tờ, đến trụ sở cơ quan nhà nước sang làm thủ tục tại bất kỳ nơi nào qua môi trường mạng. Xác định tầm quan trọng của việc triển khai Đề án, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên tập trung vào các nội dung trọng tâm, phục vụ trực tiếp người dân, doanh nghiệp, như: Xây dựng kho dữ liệu đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”, kết nối và chia sẻ dữ liệu; rà soát, tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa, số hóa hồ sơ, kết quả TTHC… Đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chuyển đổi số, dịch vụ công trực tuyến; phát huy hơn nữa vai trò của các tổ công nghệ số cộng đồng tại thôn, bản để tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân./.

 

 

Nguyễn Nga