Thứ Ba, 08/10/2024
Ngày đăng: 08/11/2022 - Lượt xem: 747
Xem với cỡ chữ

Tổ công nghệ số cộng đồng: Lan tỏa chuyển đổi số tới từng người dân

“Các Tổ công nghệ số cộng đồng sẽ tạo ra các công dân số, công dân số thì tạo ra xã hội số, xã hội số thì tạo ra nhu cầu số, nhu cầu số thì tạo ra thị trường số, thị trường số thì tạo ra doanh nghiệp số và từ đó hình thành nền kinh tế số” - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

Chuyển đổi số bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, hướng dẫn người dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam. Định hướng xuyên suốt năm 2022 là đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường số thông qua phổ cập sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam.

Tổ công nghệ số cộng đồng có nhiệm vụ hỗ trợ cho người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân. 

Để triển khai sáng kiến Tổ công nghệ số cộng đồng, Bộ Thông tin và Truyền thông đã soạn thảo tài liệu hướng dẫn cho Tổ công nghệ số cộng đồng và tài liệu hướng dẫn cho người dân, đề nghị tất cả thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng sử dụng và coi đây là tài liệu chính thức trong hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng. Trong đó, tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các poster, được Tổ công nghệ số cộng đồng sử dụng để tuyên truyền, hoặc hỗ trợ hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng theo hình thức đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người và các hình thức khác hoặc kết hợp các hình thức phù hợp với đặc thù của địa phương; Tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số thông qua các đoạn video hướng dẫn, hoặc file âm thanh để tuyên truyền hoặc hỗ trợ gián tiếp người dân cài đặt sử dụng. Các tài liệu này được gửi qua các kênh giao tiếp, hoặc phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở của xã, phường hay các phương tiện truyền thanh khác của địa phương. 

Đến nay, có nhiều ứng dụng số được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, định kỳ cập nhật để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn này, có 6 nội dung quan trọng mà Tổ công nghệ số cộng đồng cần tập trung hướng dẫn người dân bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Thanh toán không dùng tiền mặt; Mua bán trên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart; Sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn; Kỹ năng sử dụng phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản; Nội dung khác theo định hướng, chỉ đạo của Chính quyền địa phương. 

Để Tổ công nghệ số cộng đồng tiếp nhận các tài liệu hướng dẫn nhanh và hiệu quả, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các khoá học, tập trung hướng dẫn 6 nội dung quan trọng nêu trên thông qua nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà Onetouch (MOOCs). Người dân và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng có thể truy cập vào khóa học trên nền tảng mọi lúc, mọi nơi, các nội dung bài giảng luôn có sẵn, được cập nhật thường xuyên, liên tục. Tài liệu có thể được tải về và chia sẻ rộng rãi như phương châm của Tổ công nghệ số cộng đồng.

Người dân và thành viên tổ công nghệ số cộng đồng có thể truy cập vào khóa học thông qua
nền tảng đào tạo trực tuyến mở đại trà Onetouch (MOOCs) của Bộ TT&TT

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kênh Zalo OA “Chuyển đổi số quốc gia” nhằm cập nhật hằng ngày thông tin mới nhất về chuyển đổi số (chính sách, pháp luật, bài toán, sáng kiến, cách làm). Hiện nay, kênh đã thu hút được hơn 43.000 người theo dõi và sẽ còn gia tăng nhanh chóng trong thời gian tới. Vì vậy, Tổ công nghệ số cộng đồng có thể coi đây là một kênh thông tin hữu ích, nhanh chóng, tiếp cận thông tin mới nhất về chuyển đổi số phục vụ cho hoạt động truyền thông và hướng dẫn đến từng người dân.

Tại tỉnh Bắc Kạn, mặc dù mới được thành lập và đi vào hoạt động chưa lâu, song, có thể khẳng định, Tổ công nghệ số cộng đồng có một vai trò tích cực, đã có đóng góp nhất định trong lộ trình chuyển đổi số của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thí điểm thành lập được 98/108 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 948 thành viên tham gia; 121/1.301 Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 724 thành viên tham gia.

Tỉnh đã tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về Chuyển đổi số năm 2022 tại tất các các huyện, thành phố với hơn 4.500 người tham dự, gồm lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã; Bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng khu dân cư; thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn, trên địa bàn tỉnh; triển khai chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2022 - 2026 trong lực lượng đoàn viên, thanh niên của tỉnh nhằm hỗ trợ cho các Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã và cấp thôn trên địa bàn tỉnh.

Việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân hiệu quả sử dụng công nghệ số chính là nhiệm vụ của những Tổ công nghệ số cộng đồng. Tổ công nghệ số cộng đồng đang đóng vai trò chính trong việc phổ cập công nghệ số, kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là cách làm hiệu quả nhất để thay đổi nhận thức về chuyển đổi số quốc gia của mỗi người dân. Qua đó thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số.

Tổ công nghệ số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố cũng là cầu nối của chính quyền địa phương nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác chuyển đổi số đến Nhân dân, góp phần xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn. Đáng chú ý, các hộ kinh doanh còn được hướng dẫn kiến thức về thương mại điện tử để nâng cao hiệu quả bán hàng, thành công trong kinh doanh, phát triển kinh tế hộ gia đình. Với những lợi ích tuyệt vời từ mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, tỉnh Bắc Kạn sẽ nhân rộng mô hình này tới 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn trong thời gian tới, hiện thực hóa mục tiêu đưa chuyển đổi số đến gần hơn với cuộc sống của người dân./.

Nguyễn Nga