Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 08/11/2022 - Lượt xem: 57
Xem với cỡ chữ

“Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”

Năm 2022 là năm đầu tiên các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

        Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 tập trung vào phát động các sáng kiến, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số… mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

        Trong thời đại xã hội hiện nay, chúng ta gần như đã không còn xa lạ với cụm từ “chuyển đổi số” nữa. Những sự thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người dùng và các mô hình kinh doanh mới đang được hình thành cho thấy vai trò và tác động to lớn trong cuộc sống xã hội hiện nay của chuyển đổi số, nó tác động đến mọi ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số trong tất cả lĩnh vực, như: Chuyển đổi số doanh nghiệp, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, trong công tác truyền thông…

        Chuyển đổi số sẽ chuyển đổi mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội. Theo đó, cả người lao động và người sử dụng lao động cũng phải được chuyển đổi theo để có thể thích nghi tốt nhất. Doanh nghiệp phải thay đổi cách vận hành truyền thống để phù hợp với một xã hội được chuyển đổi số. Và người lao động cũng phải thay đổi cách làm trước nay để có thể thích nghi.

        Những lợi ích dễ dàng nhận biết nhất của chuyển đổi số với doanh nghiệp đó là giảm chi phí vận hành, tiếp cận khách hàng trong thời gian dài, lãnh đạo dễ dàng báo cáo kịp thời và tối ưu hóa được năng suất công việc… Những điều này làm tăng tính hiệu quả cũng như sự cạnh tranh tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao nhờ chuyển đổi số, giá trị nhận lại và dễ dàng thấy được của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng là “giảm thiểu được chi phí hoạt động”. Không chỉ tiết kiệm chi phí bằng bởi số hóa các dữ liệu vật lý sang dữ liệu online mà từ những dữ liệu online này, doanh nghiệp sẽ xây dựng ra các số hóa các quy trình nhằm giảm thiểu công sức và thời gian mà kết quả vẫn đạt được như cũ.

        Việt Nam hiện có gần 100 triệu dân và có khoảng 1 triệu người làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 đánh dấu ý nghĩa của chuyển đổi số như là một phương thức phát triển mới của đất nước trong thời gian tới, mở ra những không gian mới cho sự phát triển. Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà chuyển đổi số là thêm một cách làm mới cho những việc hiện tại.

Lễ phát động ngày chuyển đổi số 10/10 tại tỉnh Bắc Kạn

        Với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc tích cực của người dân, doanh nghiệp, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt những kết quả khả quan, bước đầu mang đến những tiện ích cho người dân, doanh nghiệp. Đến nay, chính quyền điện tử, chính quyền số được triển khai thống nhất từ tỉnh đến xã. Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh.

        UBND tỉnh đã phê duyệt một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy triển khai các nhiệm vụ trên cả 3 trụ cột của Chuyển đổi số: Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Triển khai thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Kế hoạch triển khai Nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số tỉnh Bắc Kạn; triển khai Đề án xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo việc thành lập Tổ Công tác triển khai Đề án 06 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch về hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt trong các trường học, cơ sở giáo dục và bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025; Kế hoạch thực hiện Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2022. Phê duyệt Bộ Chỉ số đánh giá, xếp hạng mức độ, xếp hạng mức độ chuyển đổi số của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh; ban hành mã định danh điện tử của các cơ quan, đơn vị thuộc/trực thuộc UBND tỉnh phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu…

        Tính đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 4 đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 54%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 29,55%.  UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức đăng ký, sử dụng tài khoản Cổng Dịch vụ công Quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Kết quả bước đầu toàn tỉnh tạo được 3359 tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

        Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 100%; tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 73%; tỷ lệ thôn/bản được phủ sóng internet cáp quang băng rộng đạt 96%; tỷ lệ người dân có hồ sơ sức khỏe điện tử đạt 83%. Toàn tỉnh hiện có 76.099 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản và hoạt động tích cực trên sàn thương mại điện tử; 80.030 hộ được đào tạo kỹ năng số; 863 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; 14.093 giao dịch trên sàn thương mại điện tử (tỷ lệ giao dịch đạt 20%).

        Đặc biệt, nhằm thúc đẩy phổ cập kỹ năng số cho các tầng lớp nhân dân từ thành thị đến các vùng nông thôn, tỉnh Bắc Kạn đã thành lập 98 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 948 thành viên tham gia; 121/1.301 Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 724 thành viên tham gia. Các thành viên của Tổ đều được tập huấn, trải nghiệm sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử... Để từ đó, mỗi thành viên sẽ là hạt nhân trong công tác tuyên truyền, hướng dẫn theo phương châm “cầm tay chỉ việc” gia đình, người thân và cộng đồng khu dân cư tiếp cận, sử dụng các nền tảng công nghệ.

        Công tác thông tin, tuyên truyền về chuyển đổi số cũng được UBND tỉnh quan tâm chú trọng. UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các cơ quan báo chí, hệ thống thông tin điện tử, thông tin cơ sở của tỉnh xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về chuyển đổi số, kịp thời tuyên truyền, biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình tiêu biểu trong hoạt động chuyển đổi số bằng những hình thức và nội dung phong phú, hấp dẫn, góp phần nâng cao nhận thức và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế số, chính quyền số và từng bước hình thành Công dân số của tỉnh.

        Trong thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số thông qua các tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội. Tập trung thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, kinh tế số, xã hội số; đầu tư xây dựng, hoàn thiện các nền tảng hạ tầng công nghệ thông tin, tích hợp, kết nối, chia sẻ liên thông dữ liệu; ứng dụng các giải pháp công nghệ số vào quá trình chỉ đạo, điều hành. Tiếp tục cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Nguyễn Nga