Thứ Sáu, 22/11/2024
Ngày đăng: 16/02/2023 - Lượt xem: 275
Xem với cỡ chữ

Phát triển công dân số là một trong các mục tiêu chuyển đổi số toàn diện

Chuyển đổi số không thể thành công nếu như không hình thành được các công dân số. Không thể xây dựng Chính phủ số nếu thiếu các công dân số. Vì thế, công dân số là một trong các mục tiêu chuyển đổi số toàn diện.

Công dân số là gì?

Cẩm nang "Chuyển đổi số" do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng đã định nghĩa: Công dân số là người dân được trang bị năng lực số để sống giữa môi trường được số hóa toàn diện.

Như vậy có thể hiểu công dân số là những người có thể sử dụng được công nghệ thông tin, truyền thông thông minh vào hầu hết tất cả mọi lĩnh vực của cuộc sống xã hội.

09 yếu tố để cấu thành những công dân số là khả năng truy cập vào những nguồn thông tin số, khả năng thực hiện việc giao tiếp trong môi trường kỹ thuật số, sở hữu kỹ năng số cơ bản, mua bán dịch vụ, hàng hóa trên mạng, những chuẩn mực đạo đức ở trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước những ảnh hưởng đến từ môi trường số, quyền và những trách nhiệm ở trong môi trường số, tiến hành định danh và xác thực, thông tin dữ liệu cá nhân và các quyền riêng tư ở trong môi trường số.

 Chuyển đổi số hướng đến đối tượng người dùng, phục vụ người dùng, tạo ra những tiện ích và mang lại nhiều lợi ích hơn cho người dùng trên nền tảng công nghệ số. Chuyển đổi số không thể tiến hành thành công nếu như không hình thành được các công dân số.

Sự chuyển mình của xã hội số tại Bắc Kạn

Sự phát triển của công nghệ số cùng sự ra đời của các thiết bị công nghệ, khoa học tiên tiến đã thúc đẩy kinh tế, xã hội và giúp con người giải quyết những vấn đề trong cuộc sống một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Tại Thành phố Bắc Kạn, những quán ăn, cửa hàng tạp hóa treo tấm biển nhỏ in số tài khoản ngân hàng, mã QR đã không còn xa lạ. Thay vì hình thức thanh toán tiền mặt như truyền thống, hiện nay, đa số các chủ cửa hàng đã kết hợp và thậm chí còn tin dùng hình thức thanh toán điện tử hơn. Theo chị Phượng - chủ cửa hàng tạp hóa lớn tại phường Phùng Chí Kiên, TP Bắc Kạn chia sẻ: “Cửa hàng có đủ tài khoản ngân hàng thương mại như: Agribank, BIDV, Viettin bank để khách hàng tiện lợi khi chuyển khoản. Dịp Tết vừa qua khi khách hàng đến đông thì nhiều khách hàng đã lựa chọn giao dịch chuyển khoản rất nhanh chóng thay vì trả tiền mặt”

Có thể thấy, phương thức thanh toán chuyển khoản giúp những người bán hàng tiết kiệm thời gian hơn, dễ dàng kiểm tra, quản lý số tiền thu vào cũng như lợi nhuận trong ngày. Còn với khách hàng, đặc biệt là những người trẻ, thì chắc chắn sẽ luôn cảm thấy thật sự là quá tiện lợi khi chỉ bằng vài thao tác trên smartphone là có thể thanh toán ngay cho món đồ mình lựa chọn thay thế cho việc cầm tiền mặt bên người.

Trao đổi hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử hay trên các nền tảng mạng xã hội cũng ngày càng được ưa chuộng. Những gian hàng với đa dạng các mặt hàng khác nhau đã giúp mở rộng thị trường cho những người buôn bán cũng như giúp quá trình mua sắm trở nên dễ dàng hơn.

Để tạo thuận lợi cho người dân biết cách khai thác và sử dụng các ứng dụng công nghệ số, từ tháng 4/2022, các địa phương trên toàn tỉnh đã thành lập Tổ công nghệ số cộng đồng với vai trò là cánh tay nối dài giúp Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số các cấp (từ tỉnh, huyện đến xã, phường, thị trấn) đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã thí điểm thành lập được 98/108 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 948 thành viên tham gia; 121/1.301 Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 724 thành viên tham gia.

Các thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng kịp thời nắm bắt, cập nhật chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động CĐS quốc gia, các bộ, ngành, địa phương; tham gia chương trình phổ cập kỹ năng số cộng đồng với nhiệm vụ  nắm vững các kỹ năng: sử dụng các tính năng, dịch vụ số trên Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, thực hiện thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt trong giải quyết thủ tục hành chính, các quy trình hướng dẫn tham gia các Sàn thương mại điện tử từ Voso, Postmart… làm nền tảng kiến thức phục vụ hướng dẫn, hỗ trợ người dân.

Hơn thế, công nghệ số cũng giúp người dân cập nhật thông tin một cách nhanh chóng. Mọi người không cần phải đợi đến khung giờ cố định để nắm bắt được tin tức trong ngày mà chỉ cần lên các trang mạng xã hội, những thông tin mới nhất luôn được đăng tải.

Những kỹ năng cần thiết của một công dân số

Không chỉ mang lại sự tiện lợi và hiệu quả ở những phương diện trên, công nghệ số đã và đang đơn giản hóa mọi lĩnh vực và đóng vai trò thiết yếu trong đời sống thường ngày. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, để thích nghi với cuộc sống số đang diễn ra ngày càng sôi động, người dân cần chủ động trang bị cho mình:

Danh tính của công dân kỹ thuật số: Khả năng thiết lập và quản lý một cách toàn diện về chính danh tính của mình online và offline.

Quản lý thời gian tiếp xúc với thiết bị thông minh: Khả năng quản lý thời gian tiếp xúc với thiết bị thông minh, màn hình và đa nhiệm của một cá nhân.

Quản lý vấn đề bắt nạt ở trên mạng: Khả năng tìm kiếm và phát hiện ra những trường hợp bị bắt nạt ở trên mạng và có phương án xử lý toàn diện thông minh.

Quản lý về vấn đề an ninh mạng: Khả năng bảo vệ danh tính, các thông tin dữ liệu của một con người bằng cách tạo ra mật khẩu mạnh và quản lý những hình thức tấn công mạng khác nhau.

Quản lý vấn đề bảo mật: Khả năng xử lý một cách thận trọng tất cả những thông tin cá nhân chia sẻ trực tuyến để từ đó bảo vệ sự riêng tư của một cá nhân và những người khác.

Tư duy phê phán: Khả năng phân biệt rõ ràng giữa địa chỉ dùng để liên lạc thực sự và các địa chỉ liên lạc sai, những nội dung thông tin tốt và những nội dung xấu, độc hại, những trang liên hệ trực tuyến thông tin đáng tin cậy và hoàn toàn không đáng tin cậy.

***

Trong một xã hội đang chuyển mình mạnh mẽ lên môi trường số, người dân cần trang bị cho mình những hiểu biết về công nghệ thông tin để có thể truy cập, khai thác các ứng dụng công nghệ số phục vụ cuộc sống hàng ngày. Hòa mình với xu thế đi lên của thời đại, mỗi người dân hãy tự học tập, nâng cao hiểu biết, biết cách khai thác và sử dụng các ứng dụng CNTT một cách văn minh, an toàn và lành mạnh để cuộc sống số ngày càng đến gần hơn với cuộc sống của mỗi gia đình và toàn xã hội./.

Nguyễn Nga