Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 28/02/2023 - Lượt xem: 63
Xem với cỡ chữ

Gắn chuyển đổi số với thực hiện nhiệm vụ công vụ

“Gắn chuyển đổi số với quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ để từng bước hình thành công chức điện tử, đồng thời là giải pháp tốt nhất để xây dựng, làm sạch, làm giàu và bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của dữ liệu”. Đây là một trong số những giải pháp được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến chuyển đổi số toàn quốc năm 2023 do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì ngày 25/2 vừa qua.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, thời gian qua, Văn phòng Chính phủ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường hoàn thiện thể chế về gửi nhận văn bản điện tử, xử lý hồ sơ trên môi trường mạng; giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong đẩy mạnh chuyển đổi số trong nội bộ cơ quan nhà nước và đạt được những kết quả quan trọng:

Đến nay đã có khoảng 90% các cơ quan đã xử lý công việc trên môi trường điện tử; 70% lãnh đạo các cấp sử dụng chữ ký số; trung bình hàng tháng có trên 550 nghìn văn bản điện tử được gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia; 98% các đơn vị đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử ở 4 cấp hành chính… Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với 15 bộ, cơ quan, 63 địa phương để tổng hợp, cung cấp 210 chỉ tiêu thông tin trực tuyến, hình thành 3 Bộ chỉ số điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về: Cải cách các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; Cải cách việc thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến; Bộ chỉ số về kinh tế - xã hội … Trong phục vụ người dân, doanh nghiệp, đã đẩy mạnh thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính hướng tới chỉ yêu cầu cung cấp thông tin, giấy tờ một lần; sửa đổi, đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử; tự động hóa trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả bước đầu, thực tế quá trình chuyển đổi số trong các cơ quan đơn vị thời gian qua vẫn còn những hạn chế nhất định như: Chưa phát huy được nhân tố con người (cả cán bộ, công chức và người dân, doanh nghiệp) với vai trò là trung tâm, chủ thể của chuyển đổi số, kết quả thực hiện chưa đến được hoặc chưa hướng tới người dân. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu còn chậm, chất lượng chưa đồng bộ. Việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin của một số bộ ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.

Để tiếp tục triển khai chuyển đổi số toàn diện, thực chất, hiệu quả, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh cần phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành, địa phương trong triển khai chương trình chuyển đổi số và Đề án 06. Nâng cao chất lượng tham mưu của cơ quan, đơn vị tham mưu về chuyển đổi số ở bộ, ngành, địa phương để tổ chức triển khai hiệu quả.

Đặc biệt, tập trung gắn chuyển đổi số với quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. “Tất cả quá trình xử lý hồ sơ, công việc, báo cáo của cán bộ, công chức phải được thực hiện trên môi trường điện tử. Việc này không chỉ giúp hình thành công chức điện tử, mà còn là giải pháp tốt nhất để xây dựng, làm sạch, làm giàu và bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của dữ liệu”.

Bên cạnh đó, tập trung triển khai Đề án 06, chú trọng hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết thủ tục hành chính. Đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; tái cấu trúc quy trình để cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục, giấy tờ, thông tin phải cung cấp nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân.

Đồng thời, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo đúng mục tiêu, yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia như: Đất đai, tài chính, an sinh xã hội,… Rà soát, xây dựng hoặc hoàn thiện các hệ thống công nghệ thông tin bảo đảm hạ tầng kỹ thuật, an toàn, an ninh, kết nối, chia sẻ phục vụ chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội…

Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, khuyến khích sự tham gia của người dân, doanh nghiệp thông qua việc phát huy vai trò của Tổ công tác Đề án 06 của địa phương, Tổ công nghệ số cộng đồng và các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể tại địa phương như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ,…/.

Thu Hiền