Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 06/03/2023 - Lượt xem: 186
Xem với cỡ chữ

Nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nâng cao trách nhiệm triển khai

Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt, đến nay công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả bước đầu, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước không ngừng được nâng cao.

 “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020. Trong đó nêu rõ: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”.

Theo đó: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số. Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển”.

Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trên địa bàn của địa phương đó. Địa phương chuyển đổi số thành công sẽ đóng góp vào thành công chung của chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, chuyển đổi số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ từ cấp Trung ương đến địa phương.

Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng phê duyệt, đến nay công cuộc chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn đã đạt được những kết quả bước đầu, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước không ngừng được nâng cao.

Bắt tay vào công cuộc chuyển đổi số, từ năm 2021, tỉnh đã kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn thành Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn do đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực thông tin và truyền thông làm Phó trưởng ban thường trực; Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông làm Phó Trưởng ban. Các thành viên là Giám đốc các sở, ngành, UBND các huyện/thành phố.  Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai thực hiện các chủ trương, chiến lược, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, tạo thuận lợi cho việc tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Bắc Kạn.

Các cơ quan, đơn vị đã cũng đã thành lập Ban chỉ đạo chuyển đổi số do người đứng đầu làm Trưởng ban, qua đó trực tiếp đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan, đơn vị.

 Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính quyền số số được đẩy mạnh triển khai, đây là điều kiện tiên quyết để triển khai chính quyền  số. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện nay của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh như: Phần mềm Một cửa điện tử, Một cửa điện tử liên thông và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; hệ thống thư điện tử công vụ; Cổng Thông tin điện tử tỉnh; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động...

Cổng dịch vụ công của tỉnh đã nâng cấp đáp ứng các yêu cầu theo quy định và đảm bảo liên thông, tích hợp các đơn vị trong tỉnh và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia, Nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) để đồng bộ hồ sơ, trạng thái xử lý, tích hợp các dịch vụ thanh toán trực tuyến, bưu chính công ích và các dịch vụ khác lên Cổng dịch vụ công của tỉnh đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông.

 Hệ thống Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công đã kết nối, chia sẻ và thực hiện khai thác dữ liệu đối với 10/17 cơ sở dữ liệu trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh đã kết nối đến 04 phần mềm chuyên ngành của các Bộ, ngành: Hệ thống cấp mã số đơn vị của Bộ Tài chính; Hệ thống Đăng ký doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Hệ thống đăng ký Lý lịch tư pháp và Hệ thống Quản lý đăng ký hộ tịch của Bộ Tư pháp.

Đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 28%.

 UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức đăng ký, sử dụng tài khoản Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Qua đó, trong năm 2022 tỉnh đã có thêm 4.200 tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số trước hết phải chuyển đổi nhận thức. Chìa khóa để đẩy nhanh sự chuyển đổi nhận thức nằm ở trong “nhận thức”, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu. Đối với cơ quan nhà nước, tham gia vào tiến trình chuyển đổi số, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần cảm nhận, thấy rõ, nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số trước khi có hành động cụ thể để thực hiện.

Bên cạnh việc thực hiện tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần tự ý thức trách nhiệm trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội về chuyển đổi số. Nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc hướng dẫn, phổ cập kỹ năng số cho người dân, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ số của cơ quan nhà nước và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian mạng… góp phần vào xây dựng xã hội số trên toàn địa bàn./.

Nguyễn Nga