Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 15/03/2023 - Lượt xem: 64
Xem với cỡ chữ

Nhìn lại hành trình chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2022

Năm 2022 khép lại với nhiều dấu ấn trong công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

Thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/06/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong hoạt động chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội và bước đầu đạt được những kết quả đáng tích cực.

Nổi bật là việc UBND tỉnh ban hành Quyết định số 676/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 phê duyệt Đề án tổng thể Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để có một chiến lược tổng thể và định hình chuyển đổi số trong từng giai đoạn. Phấn đấu đến năm 2025, Bắc Kạn nằm trong nhóm trung bình kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi các tỉnh, thành phố của cả nước. Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển bền vững; chính quyền số được hình thành, trong đó các hoạt động của chính quyền có thể thực hiện 100% trên không gian số; kinh tế số chiếm vai trò lớn trong tăng trưởng GRDP; phát triển xã hội số an toàn; đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số dựa trên 3 nền tảng trụ cột là “Chính quyền số - kinh tế số - xã hội số”, tỉnh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và người dân, trong đó xác định người dân, doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số, làm động lực cho phát triển chuyển đổi số, khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, đồng thời từng bước đưa hoạt động của người dân, doanh nghiệp lên môi trường mạng.

Ngay từ đầu năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong đơn vị thông qua các cuộc họp, giao ban định kỳ, xây dựng chuyên mục chuyển đổi số trên Cổng/trang thông tin điện tử đơn vị; thường xuyên tuyên truyền về Chuyển đổi số đến các xã, thôn, bản trên địa bàn thông qua các nội dung tuyên truyền về chuyển đổi số và các Hội nghị tập huấn tại các xã, phường, thị trấn. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng; băng rôn, khẩu hiệu, video clip, cổ động trực quan, truyền thanh cơ sở; tuyên truyền phổ cập bộ nhận diện Ngày Chuyển đổi số quốc gia trên các trang, cổng thông tin điện tử của tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thành phố.

Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, có tính đột phá, sáng tạo, chính quyền số tỉnh đã để lại dấu ấn khi nền hành chính của tỉnh ngày càng được hiện đại hóa. Minh chứng rõ nét là hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư và hoạt động hiệu quả, ổn định. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính.

Đối với xây dựng chính quyền số, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh. Hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được triển khai sử dụng tại 132 đơn vị. Từ năm 2021, tỉnh đã đưa vào sử dụng hệ thống nền tảng thanh toán trực tuyến (Paygov) của Bộ Thông tin và Truyền thông và Cổng dịch vụ công của tỉnh. Hàng năm, hệ thống tiếp nhận và xử lý gần 150 nghìn hồ sơ thủ tục hành chính.Tính đến nay, tỷ lệ thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 55%; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 28%.

Kinh tế số từng bước được ứng dụng trong các ngành sản xuất và dịch vụ. Tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đạt 100%. Nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ số và internet được triển khai.

Để phát triển nông nghiệp thông minh, nhiều hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn đã mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, điển hình như hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Như Cố, hợp tác xã Nhung Lũy, hợp tác xã Thiên An... Nắm bắt được những lợi thế của thương mại điện tử trong việc phát triển kinh tế, các hợp tác xã đã tích cực sử dụng các sàn thương mại điện tử phổ biến như vnpostmark, voso.vn, lazada, shopee..., hoặc các trang web tự xây dựng của tỉnh như sàn thương mại điện tử tỉnh Bắc Kạn (backanmarket.vn), các trang web cá nhân của từng đơn vị để quảng bá cũng như buôn bán các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương.

Mã vạch QR code được sử dụng để truy xuất nguồn gốc sản phẩm, giúp người dùng theo dõi được toàn bộ quá trình sản phẩm từ những khâu đầu vào cho tới đầu ra, giúp nâng cao độ tin tưởng của khách hàng trên mọi miền tổ quốc đối với các sản phẩm của tỉnh.

Năm vừa qua cũng đánh dấu sự phát triển của xã hội số. Khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, chuyển đổi số đã len lỏi vào cuộc sống người dân khi nở rộ các hình thức đặt hàng, kinh doanh online, thanh toán không dùng tiền mặt...  Theo số liệu thống kê, tính đến nay, số thuê bao điện thoại smartphone đạt 192.579; mật độ điện thoại đạt 90,5 máy/100 dân. Số thuê bao internet đạt 224.065 thuê bao, mật độ thuê bao internet đạt 62 thuê bao/100 dân...  

Thực hiện chủ đề của năm 2023 - Năm quốc gia về dữ liệu số là “Tạo lập và khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới”, trong đó tập trung vào các nội dung chủ yếu: Bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành và địa phương; mở dữ liệu và an toàn dữ liệu, Bắc Kạn đang từng bước đi trên hành trình chuyển đổi số, xác định rõ những khó khăn, thách thức đặt ra để đề ra mục tiêu, định hướng phù hợp, thiết thực để đạt được những mục tiêu trên lộ trình chuyển đổi số trong thời gian tới./.

Nguyễn Nga