Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 27/03/2023 - Lượt xem: 146
Xem với cỡ chữ

Xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chuyển đổi số

Để chuyển đổi số thành công, một trong những giải pháp quan trọng được xác định là xây dựng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" nêu rõ quan điểm nâng cao nhận thức là tiên quyết để thực hiện chuyển đổi số vì nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số là chìa khóa để người dân được tiếp cận kiến thức, kỹ năng số để cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số, mở ra cơ hội tiếp cận các dịch vụ số một cách bình đẳng, giúp xây dựng một xã hội số bao trùm và toàn diện. Phát triển nguồn nhân lực là then chốt để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, giúp thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

 Mục tiêu hướng tới nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của lãnh đạo và cán bộ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số. Phổ cập kỹ năng số cho các đối tượng tham gia vào quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu vừa phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực hội nhập toàn cầu. Để hiện thực hóa mục tiêu đó, nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng.

Thời gian qua, Bắc Kạn đã xác định rõ vị trí việc làm công nghệ thông tin trong mỗi đơn vị, bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng công nghệ thông tin phục vụ chuyển đổi số. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc mà có sự chuyển biến mạnh về tư duy, phong cách làm việc...

Tuy nhiên, thực tế cho thấy trên địa bàn tỉnh vẫn đang thiếu hụt nhân lực CNTT. Theo số liệu thống kê, trong các cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh, huyện của tỉnh có tổng số 38 cán bộ, công chức chuyên trách, kiêm nhiệm trong lĩnh vực CNTT, trong đó có 3 công chức có trình độ thạc sĩ, 29 công chức có trình độ đại học, 04 công chức có trình độ cao đẳng, 02 công chức không đúng chuyên ngành CNTT. Tại Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) có 12 viên chức thực hiện vận hành, quản lý và hỗ trợ người dùng các phần mềm dùng chung của tỉnh (01 thạc sĩ và 11 Đại học chuyên ngành CNTT). Trong năm 2021 - 2022, một số sở ngành, địa phương đã đăng ký tuyển dụng cán bộ CNTT cho đơn vị.

Bên cạnh đó, kỹ năng ứng dụng CNTT của một bộ phận CBCC, nhất là ở cấp xã và kỹ năng sử dụng, khai thác thông tin trên môi trường mạng của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn còn hạn chế.

Để khắc phục những tồn tại này, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức và triển khai thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số một cách thực chất, hiệu lực, hiệu quả; trong đó chú trọng đến công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn về chuyển đổi số. Công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận và đảm bảo sự vào cuộc của cả cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số; nhất là trong việc sử dụng các phương tiện thông minh để tương tác với chính quyền, hình thành tầng lớp công dân điện tử.

Năm 2022, UBND tỉnh tổ chức các Hội nghị tập huấn về: Triển khai Ipv6, an toàn thông tin, chuyển đổi số cho cán bộ chuyên trách CNTT, đội ứng cứu sự cố mạng, máy tính của tỉnh; một số cán bộ, công chức, viên chức các Sở, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; Phối hợp với Công ty Cổ phần công nghệ BKAV tổ chức Hội thảo về chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo và cán bộ công chức các cơ quan, đơn vị, địa phương và ký thỏa thuận hợp tác triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số của tỉnh.

Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được UBND tỉnh quan tâm. Đến nay, 100% cán bộ, công chức, viên chức sử dụng thành thạo máy tính phục vụ công việc chuyên môn; Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên sử dụng máy tính, truy cập internet để xử lý công việc đạt 100%.

Triển khai Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho Lãnh đạo UBND cấp xã tại địa phương, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Chương trình bồi dưỡng về chuyển đổi số cho Lãnh đạo UBND cấp xã tại tỉnh Bắc Kạn, kết quả có 375/409 Lãnh đạo cấp xã trên toàn tỉnh đăng ký học trực tuyến đã hoàn thành khóa học, đạt 91%.

Trong năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Cục Chuyển đổi số quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 01 Hội nghị trực tuyến bồi dưỡng, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số cho gần 1.800 người tham dự là đại diện lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn và thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, cấp thôn trên địa bàn tỉnh.

Các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, bồi dưỡng được tổ chức thời gian qua đã góp phần từng bước thay đổi tư duy và phát huy mạnh mẽ vai trò của người đứng đầu trong công tác chỉ đạo điều hành về chuyển đổi số tại địa phương, đơn vị; kịp thời cập nhật kiến thức, nâng cao kỹ năng ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân từ tỉnh đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử - chính quyền số.

Trong thời gian tới, ngành Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh tập trung phát triển nguồn nhân lực số, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số./.

Nguyễn Nga