Thứ Ba, 08/10/2024
Ngày đăng: 18/04/2023 - Lượt xem: 87
Xem với cỡ chữ

Đề án 06: Cắt giảm giấy tờ, thuận tiện và giảm chi phí cho người dân

Thay đổi phương thức quản lý công dân từ thủ công, sử dụng giấy tờ sang hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin; quản lý toàn dân thông qua mã định danh cá nhân… góp phần khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chính xác trong quản lý thông tin cơ bản của công dân … là những hiệu quả thiết thực từ việc triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.

Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 06) được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là một Đề án quan trọng nhằm phát huy hơn nữa vị thế, vai trò của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống định danh và xác thực điện tử do Bộ Công an xây dựng và cung cấp cho khối dịch vụ công, nhất là các thủ tục hành chính qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin một cửa các cấp. 

Đề án 06 sẽ thực hiện kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu mở với các bộ, ngành, địa phương góp phần xây dựng Chuyển đổi số quốc gia, hướng tới 5 nhóm lợi ích cốt lõi: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Thời gian qua, việc thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã đạt được kết quả quan trọng; bước đầu tạo nền tảng, tiền đề cho năm 2023 và những năm tiếp theo, nhất là công tác cải cách hành chính, dịch vụ công trực tuyến.

Ngay từ khi Chính phủ ban hành Đề án 06, căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành liên quan và tình hình thực tế địa phương, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt các giải pháp, với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Các thành viên Tổ công tác của tỉnh trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao đã thực hiện nghiêm túc và đảm bảo tiến độ các nhiệm vụ Tổ công tác Chính phủ giao và kế hoạch của UBND tỉnh.

Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, quần chúng nhân dân về nội dung của Đề án 06 của tỉnh dưới nhiều hình thức như: Thông qua báo, đài, các trang thông tin điện tử, mạng xã hội (Zalo, facebook...) kết hợp với công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở tại cơ sở. Các cơ quan, đơn vị, địa phương thường xuyên tuyên truyền nội dung Đề án 06 đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động thông qua tại các buổi Hội nghị, cuộc họp, sinh hoạt Đảng, đoàn thể. Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức của công chức, viên chức, người lao động về vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện Đề án 06.

Với mục tiêu làm sạch dữ liệu dân cư, phát triển công dân số, đến nay toàn tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành 09/11 chỉ tiêu làm sạch dữ liệu dân cư. Các chỉ tiêu đã hoàn thành: Thông báo số định danh công dân; Rà soát nhân khẩu vắng mặt tại nơi đăng ký thường trú không rõ nơi đến; Rà soát, cập nhật trạng thái các trường hợp thôi quốc tịch; Cập nhật đối tượng truy nã; Cập nhật đối tượng thi hành án; Cập nhật đối tượng quản lý theo pháp luật; Cập nhật đối tượng quản lý theo nghiệp vụ; Điều chỉnh thông tin hộ nhiều hơn 1 chủ hộ; Kết quả cập nhật CMND 9 số, toàn tỉnh đã thực hiện rà soát 25.513/25.513, đạt 100% .

Hiện nay, Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố tiếp tục tổ chức thực hiện thu nhận hồ sơ cấp CCCD, cấp định danh điện tử cho công dân; tiếp nhận và trả thẻ CCCD cho công dân sử dụng trên địa bàn tỉnh. Tính đến ngày 14/3/2023, toàn tỉnh đã thu nhận được 281.793 hồ sơ CCCD, đã truyền dữ liệu về Cục C06: 278.684 hồ sơ Công an tỉnh đã tiếp nhận và trả cho công dân sử dụng 257.925/258.851 thẻ CCCD cho công dân; đã thu nhận 58.354 hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh điện tử, Cục C06 phê duyệt 54.933 tài khoản (mức độ 1 là 2.256 tài khoản, mức độ 2 là 52.677 tài khoản) tổng số đã kích hoạt được 7.870 tài khoản (mức độ 1 là 480 tài khoản, mức độ 2 là 7.390 tài khoản).

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến thiết yếu cho người dân theo Đề án 06 của Chính phủ đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực khi cắt giảm thủ tục hồ sơ, giảm chi phí thủ tục hành chính. Việc hướng tới là cung cấp dịch vụ công trực tuyến cần chuyển từ số lượng sang chất lượng, góp phần vào quá trình chuyển đổi số Quốc gia.

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến, tích hợp, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu với Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư được đẩy mạnh. Hiện nay, tỉnh đang tập trung triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu và đã triển khai tích hợp các giấy tờ công dân để sử dụng thẻ Căn cước công dân và ứng dụng VNEID, trong đó tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe, thẻ ngân hàng… từ đó tạo thuận lợi cho người dân trong các giao dịch.

Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có 1.816 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 1.217 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 599 dịch vụ công trực tuyến một phần. Ngày 10/11/2022, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2170/QĐ-UBND về việc phê duyệt danh mục dịch vụ công trực tuyến một phần cho phép nộp hồ sơ trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, với tổng số 343 dịch vụ công trực tuyến một phần cho phép nộp hồ sơ trực tuyến, trong đó cấp tỉnh có 270 dịch vụ công trực tuyến một phần, cấp huyện có 55 dịch vụ công trực tuyến một phần và cấp xã có 18 dịch vụ công trực tuyến một phần.

Tính đến ngày 14/3/2023, tỉnh Bắc Kạn có 1.298 dịch vụ công trực tuyến đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Hiện nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện việc nộp hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia và Cổng Dịch vụ công của tỉnh.

Trong thực hiện nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính, một trong những nguyên nhân người dân chưa "mặn mà" sử dụng dịch vụ công trực tuyến là việc khó sử dụng các thiết bị công nghệ hỗ trợ, việc sử dụng với người dân còn hạn chế; không phải người dân nào cũng có máy in, máy scan và nhiều người dân thao tác thiết bị di động còn hạn chế. Nguyên nhân nữa là rào cản về thói quen, về tâm lý, người dân đi làm TTHC trực tiếp để được hướng dẫn, cảm thấy an tâm hơn khi đến trực tiếp; quy trình, thủ tục phức tạp làm người dân ngại thao tác, khiến người dân hạn chế sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Nắm rõ nguyên nhân và nghiên cứu các giải pháp thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tuyên truyền để người dân hiểu và thực hiện. Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần giải quyết thủ tục hành chính cho người dân nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân, từng bước nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp và phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh./.

Nguyễn Nga