Thứ Ba, 08/10/2024
Ngày đăng: 14/04/2023 - Lượt xem: 129
Xem với cỡ chữ

Kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện đã có hơn 90 bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); có 08 CSDL, 11 hệ thống thông tin đã kết nối, cung cấp dịch vụ chia sẻ dữ liệu trên NDXP. Năm 2022, tổng số giao dịch thông qua NDXP là 876 triệu giao dịch (trong đó có 858,8 triệu giao dịch thành công), trung bình hàng ngày có khoảng 2,4 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Riêng với tỉnh Bắc Kạn, tính từ 01/1/2022 đến ngày 21/3/2023 đã có 32.073 giao dịch thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Tại Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định rõ quan điểm phát triển dữ liệu trong Chính phủ số, đó là: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”; tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nêu rõ quan điểm: “Công nghệ số và dữ liệu số thấm sâu một cách tự nhiên mặc định vào mọi mặt sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân”.

Để đẩy mạnh việc kết nối, chia sẽ dữ liệu của cơ quan nhà nước, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương: “Thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước bảo đảm tránh đầu tư chồng chéo, lãng phí, tuân thủ đúng quy định của Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ. Công khai danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục các dịch vụ chia sẻ dữ liệu; hạn chế cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Không thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu khi thực hiện thủ tục hành chính nếu thông tin, dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ, trừ trường hợp thông tin, dữ liệu không bảo đảm yêu cầu về chất lượng, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành hoặc pháp luật có quy định khác”.

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG), các hệ thống thông tin (HTTT) có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần, đi lại nhiều nơi; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam trên cả 03 trụ cột chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là một trong các nội dung chính được Bộ Thông tin và Truyền thông sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hàng năm.

Theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, việc kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương trên quy mô quốc gia phải thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, đưa Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào sử dụng, phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước mang lại hiệu quả ban đầu rất lớn, góp phần tiết kiệm thời gian của xã hội, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công, người dân, doanh nghiệp; nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, thực thi công vụ dựa trên dữ liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời. Một số lợi ích chính từ việc kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp có thể kể ra như sau:

(1) Phát triển các dịch vụ, tiện ích theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, người dân, doanh nghiệp không phải kê khai, cung cấp thông tin thủ công nhiều lần, đi lại nhiều nơi;

(2) Tổng hợp thông tin, dữ liệu từ nhiều nguồn để tạo kho dữ liệu dùng chung của bộ, ngành địa phương bảo đảm đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành được hiệu quả;

(3) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan nhà nước không phải nhập thông tin thủ công, thao tác nghiệp vụ trên nhiều phần mềm khác nhau;

(4) Tăng cường hiệu quả khai thác các dữ liệu dùng chung trong nội bộ, tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí;

(5) Cho phép cung cấp dữ liệu mở ra bên ngoài phục vụ khu vực tư xây dựng, phát triển hệ sinh thái ứng dụng, dịch vụ mới cho xã hội; đồng thời cho phép thu thập dữ liệu từ các đối tượng từ khu vực tư mà cơ quan nhà nước cần quản lý phục vụ việc giám sát thực thi pháp luật, điều hành chính sách vĩ mô.

Theo ước tính của Bộ Thông tin và Truyền thông, giả sử 01 giao dịch thành công thông qua NDXP giúp tiết kiệm khoảng 100 đồng (thực tế có thể cao hơn) cho xã hội, thì năm 2022 (tính đến hết ngày 31/12/2022) việc các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp kết nối, chia sẻ dữ liệu qua NDXP đã góp phần tiết kiệm khoảng 86 tỷ đồng./.

Nguyễn Nga