Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 19/05/2023 - Lượt xem: 42
Xem với cỡ chữ

Tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới

2023 là năm tạo lập, khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới với nhiệm vụ trọng tâm số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân…

Triển khai mạnh mẽ các nền tảng ứng dụng dữ liệu số

Năm 2022, công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 đã đạt được một số kết quả tích cực trên nhiều mặt như: Nhận thức và hành động; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi; phát triển hạ tầng số, các nền tảng số, cơ sở dữ liệu quốc gia, nhất là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; dịch vụ công trực tuyến; an toàn, an ninh thông tin; phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số; phát triển kinh tế số, xã hội số, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xuất hiện các công ty công nghệ Việt Nam hoạt động hiệu quả trong chuyển đổi số.

Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số: 516/QĐ-BTTTT ngày 31/3/2023 phê duyệt Kế hoạch triển khai “Năm dữ liệu số quốc gia” của Bộ, với các hoạt động nhằm thúc đẩy quản trị dữ liệu trên môi trường số.

(ảnh minh họa)

Năm dữ liệu số quốc gia sẽ tập trung vào: Phát triển dữ liệu mở; phát triển cơ sở dữ liệu; phát triển, thúc đẩy sử dụng các nền tảng số sử dụng thống nhất trên toàn quốc hoặc trong phạm vi mỗi địa phương; nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu.

Năm dữ liệu số quốc gia được triển khai chi tiết theo tháng

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết kế hoạch được triển khai chi tiết theo tháng cụ thể. Theo đó, ngay tháng 4/2023 khởi động Năm dữ liệu số quốc gia và Chủ đề: Dữ liệu mở. Cụ thể công bố kế hoạch hành động năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế xã hội và chuyển đổi số quốc gia; Công bố kế hoạch hành động năm 2023 và các sáng kiến Năm dữ liệu số quốc gia của bộ.

Cùng với lễ phát động Tháng dữ liệu mở và Công bố phiên bản mới Cổng dữ liệu quốc gia data.gov.vn; Bộ sẽ công bố Sổ tay hướng dẫn phát triển dữ liệu mở, khóa học trực tuyến miễn phí về dữ liệu mở và ra mắt Liên minh Dữ liệu mở Việt Nam...

Trong tháng 5/2023 tập trung và chủ đề: Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với các hoạt động: phát động tháng Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và công bố Bản đồ dữ liệu Việt Nam trực tuyến; Công bố bộ sách chuyên ngành chọn lọc về Cơ sở dữ liệu; Công bố danh mục Cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của Bộ và kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục

Chủ đề tháng 6/2023 sẽ là phân tích, xử lý dữ liệu. Cùng với việc phát động Tháng phân tích, xử lý dữ liệu sẽ triển khai bồi dưỡng, tập huấn toàn quốc về phân tích, xử lý dữ liệu cho các bộ, ngành, địa phương; Hội nghị chuyên đề chia sẻ kinh nghiệm triển khai phân tích, xử lý dữ liệu; Công bố bộ sách chuyên ngành chọn lọc về phân tích, xử lý dữ liệu; Công bố kế hoạch triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Với các tháng tiếp theo, từ tháng 7- 11/2023, sẽ tập trung vào các chủ đề: Quản trị dữ liệu; Nhân lực dữ liệu; Hạ tầng dữ liệu quốc gia; Kết nối, chia sẻ dữ liệu; Bảo vệ thông tin cá nhân. Hàng loạt nhiệm vụ trong từng tháng theo các chủ đề cũng đã được Bộ phân công rõ cho các cơ quan, đơn vị, với yêu cầu cụ thể về kết quả cần đạt được.

Trong tháng 12/2023, sẽ tổng kết Năm dữ liệu số quốc gia và phát hành bộ tem Năm dữ liệu số quốc gia.

Để đạt hiệu quả các mục tiêu và yêu cầu của kế hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các cơ quan, đơn vị được phân công chủ trì, thực hiện các nhiệm vụ căn cứ vào điều kiện thực tiễn, triển khai bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thiết thực, đúng tiến độ.

Hiện tại, tỉnh Bắc Kạn đã xây dựng và đang khai thác sử dụng 12 CSDL: CSDL về giá, tài liệu, CBCCVCNLĐ, đất đai, môi trường, ngành giáo dục, giấy phép lái xe, tài nguyên môi trường, hồ sơ sức khỏe điện tử, công chứng, quy hoạch, xây dựng. Đồng thời đang triển khai xây dựng 8 CSDL của các ngành: CSDL kinh tế - xã hội, dân tộc, tiền lương, bệnh án điện tử, ngành công thương, địa chất khoáng sản, giáo dục đào tạo nghề, hồ sơ giải quyết TTHC

Hiện nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư.  Qua thống kê rà soát, hiện nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang khai thác sử dụng 95 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL khác nhau để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết TTHC, hỗ trợ nghiệp vụ... Trong đó, có 45 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL do các Bộ, ngành Trung ương triển khai, 40 hệ thống do tỉnh đầu tư triển khai và 10 hệ thống đang được các đơn vị dùng thử./.

Nguyễn Nga