Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 08/06/2023 - Lượt xem: 69
Xem với cỡ chữ

Ngành Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn cần quyết liệt tham mưu đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến

Lập phương án trên địa bàn toàn tỉnh, trong đó huy động lực lượng triển khai chiến dịch 100 ngày chuyển đổi số trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Đó là những chỉ đạo quyết liệt của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn tại buổi làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông về việc rà soát tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023, diễn ra chiều ngày 07/6/2023.

Tham dự buổi làm việc có các đồng chí lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh; Sở Tài chính; Sở Nội vụ. Về phía Sở Thông tin và Truyền thông có đồng chí Hoàng Văn Thiên - Giám đốc Sở, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh; các đồng chí Phó Giám đốc Sở và lãnh đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc Sở.

Từ đầu năm đến nay, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án tổng thể chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2023; Kế hoạch triển khai thí điểm 12 mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt; Kế hoạch đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số năm 2023.

Đồng chí Hoàng Văn Thiên – Giám đốc Sở TT&TT báo cáo tại buổi làm việc

Bên cạnh đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2022 -2025, định hướng đến năm 2030 giữa  UBND tỉnh Bắc Kạn và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel); Thỏa thuận hợp tác đồng hành, hỗ trợ, tư vấn triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số giai đoạn 2023 - 2025 giữa UBND tỉnh Bắc Kạn và Công ty cổ phần FPT.

Đồng thời, tổ chức tập huấn chuyển giao công nghệ phần mềm đánh giá chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh, huyện, xã (DTI) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cho cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách/phụ trách CNTT, phụ trách, tham mưu về Chuyển đổi số các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn tại địa phương. ...

Trong 6 tháng đầu năm, trên địa bàn tỉnh không xảy ra sự cố mất an toàn thông tin nghiêm trọng. Các sự cố lây nhiễm mã độc, lỗ hổng bảo mật đã được phát hiện, cảnh báo và khắc phục, xử lý kịp thời, góp phần đảm bảo an toàn thông tin cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.

Mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 3 cấp, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp.

Hệ thống máy chủ ảo hóa của Trung tâm dữ liệu gồm 05 máy chủ vật lý cung cấp tài nguyên cho trên 102 máy chủ ảo hóa chạy song hành được quản lý tập trung, đang đáp ứng tốt cho hoạt động của các hệ thống dịch vụ và có thể tạo thêm các máy chủ ảo hóa để triển khai các hệ thống dịch vụ. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh đáp ứng yêu cầu sử dụng hiện nay của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh.

Hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao có 133 đơn vị sử dụng, đạt tỷ lệ 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã có TTHC. Hệ thống thư điện tử công vụ, chữ ký số chuyên dùng, các hệ thống thông tin chuyên ngành tiếp tục được duy trì sử dụng.

Một số kết quả nổi bật về Chuyển đổi số: Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 73%; Tỷ lệ phủ sóng băng rộng di động tới thôn/bản đạt 96%; Tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang đạt 76,6%; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 58%; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 31,6%.

Tại buổi làm việc, Sở Thông tin và Truyền thông cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ như: Công tác tổ chức thực hiện tỷ lệ ngầm hóa mạng cáp, đường dây viễn thông tại một số tuyến đường tại địa bàn thành phố Bắc Kạn chưa đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra do việc đầu tư ngầm hóa cần nguồn vốn đầu tư lớn, doanh nghiệp viễn thông chưa bố trí được kinh phí để thực hiện.

Nhân lực công nghệ thông còn thiếu về số lượng, chất lượng so với yêu cầu nhiệm vụ quản lý Nhà nước và Chuyển đổi số hiện nay.

Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh phải duy trì chế độ trực vận hành 24/7 nhằm đáp ứng yêu cầu duy trì hoạt động liên tục để kịp thời phát hiện, xử lý các vấn đề liên quan và đảm bảo công tác an toàn, an ninh thông tin. Tuy nhiên đến nay, tỉnh chưa bố trí được kinh phí để duy trì chế độ trực vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh cho đội ngũ cán bộ thực hiện nhiệm vụ này.

Tỷ lệ hồ sơ TTHC phát sinh trực tuyến chưa cao do người dân chưa quen nộp hồ sơ trực tuyến, hệ thống thiết bị kỹ thuật tại nhiều điểm cung cấp DVCTT chưa đáp ứng yêu cầu, chưa có giải pháp hiệu quả để thúc đẩy tăng tỷ lệ phát sinh hồ sơ TTHC trực tuyến. Về giải pháp thực hiện trong thời gian tới, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ lựa chọn 25 dịch vụ công thiết yếu làm mẫu, cầm tay chỉ việc cho cán bộ công chức, đoàn viên thanh niên và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền (xây dựng video clip hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến đăng tải trên các kênh thông tin mạng xã hội)...

Cũng tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành đã báo cáo kết quả phối hợp thực hiện nhiệm vụ với Sở Thông tin và Truyền thông; đồng thời đề xuất các giải pháp phối hợp trong thời gian tới, cho ý kiến vào các đề xuất, kiến nghị của Sở.

 Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng ghi nhận, đánh giá cao những kết quả Sở TT&TT đạt được trong thời gian qua, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội nói chung của tỉnh, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng và vai trò của Sở trong chủ trì tham mưu công tác chuyển đổi số, chia sẻ với trọng trách nặng nề và những khó khăn về nguồn nhân lực của đơn vị.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ: Sở Thông tin và Truyền thông cần nỗ lực thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ được giao, đặc biệt chú trọng đến các nhiệm vụ chuyển đổi số.

Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng phát biểu tại buổi làm việc

Nhấn mạnh đến tầm quan trọng của dịch vụ công trực tuyến là cốt lõi của chuyển đổi số, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ngành Thông tin và Truyền thông Bắc Kạn cần quyết liệt tham mưu đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ này. Đặc biệt, cần tham mưu lập phương án triển khai diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, điểm nhấn là huy động lượng triển khai chiến dịch 100 ngày chuyển đổi số trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Để làm tốt nhiệm vụ được giao, Sở TT&TT cần quan tâm sắp xếp, tổ chức bộ máy, kiện toàn lãnh đạo các phòng, đơn vị; tăng cường nhân lực cho lĩnh vực CNTT; đào tạo cán bộ, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho chủ trương giải quyết các đề xuất, kiến nghị của Sở Thông tin và Truyền thông; đồng thời giao các sở, ngành liên quan quan tâm, tạo điều kiện để Sở phát triển, qua đó đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của tỉnh/.

 

Nguyễn Nga