Thứ Năm, 21/11/2024
Ngày đăng: 13/08/2019 - Lượt xem: 56
Xem với cỡ chữ

Xây dựng chính quyền điện tử: Cần sự đồng hành của người dân

Xây dựng chính quyền điện tử là xu hướng chung của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Bắc Kạn cũng đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này. Ngoài sự quyết tâm, triển khai bài bản, hiệu quả của chính quyền, rất cần sự đồng hành của người dân để mô hình chính quyền điện tử của tỉnh sớm thành hiện thực.

Nỗ lực của chính quyền

Thực hiện lộ trình xây dựng chính quyền điện tử, UBND tỉnh đã phê duyệt Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh phiên bản 1.0, là cơ sở khoa học để đưa ra các quyết định đầu tư triển khai chính quyền điện tử kịp thời, chính xác, nâng cao hiệu quả, chất lượng các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh, đảm bảo tính kết nối liên thông, tránh trùng lặp, lãng phí và đạt được mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử.

 Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn, phiên bản 1.0 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1597/QĐ-UBND ngày 09/10/2017 và được cập nhật năm 2018 tại Quyết định số 2387/QĐ-UBND ngày 28/12/2018. Kiến trúc đã xác định rõ các thành phần, lộ trình và kế hoạch triển khai xây dựng Chính quyền điện tử tỉnh với nguyên tắc đảm bảo các điều kiện để kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở hạ tầng thông tin. Đảm bảo khả năng giám sát, đánh giá đầu tư; đảm bảo triển khai ứng dụng CNTT đồng bộ, hạn chế trùng lặp, tiết kiệm chi phí, thời gian triển khai của cơ quan nhà nước tại tỉnh. Nâng cao tính linh hoạt khi xây dựng, triển khai các thành phần, hệ thống ứng dụng CNTT theo điều kiện thực tế của tỉnh. Tạo cơ sở xác định các thành phần, hệ thống ứng dụng CNTT cần tiếp tục xây dựng, phát triển trong lộ trình triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Hiện tại, Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng khung chính quyền điện tử phiên bản 2.0 theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Thực hiện một trong các thành phần quan trọng của nền tảng Chính quyền điện tử, Bắc Kạn đã thay thế hệ thống cung cấp dịch vụ công trực tuyến được triển khai trong hệ thống Chính quyền điện tử tại 5 huyện, thành phố trước đây bằng Hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho 146 cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã. Hệ thống được triển khai theo hình thức tập trung tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh, đảm bảo liên thông việc giải quyết hồ sơ TTHC giữa 3 cấp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; cho phép người dân nộp hồ sơ, tra cứu tình trạng xử lý hồ sơ đã nộp và nhận kết quả trực tuyến trên mạng Internet. Năm 2018, hệ thống đã tiếp nhận 73.138 hồ sơ TTHC, trong đó có 6.391 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 1.254 hồ sơ trực tuyến mức độ 4. Đến hết tháng 6/2019, số lượng hồ sơ tiếp nhận là 55.337, trong đó có 1.933 hồ sơ trực tuyến mức độ 3 và 475 hồ sơ trực tuyến mức độ 4.

Hệ thống đồng thời được kết nối đến hệ thống quản lý cung cấp dịch vụ bưu chính công ích của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam để người dân, doanh nghiệp và Công ty bưu điện trao đổi yêu cầu tiếp nhận và trả hồ sơ TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích (BCCI). Năm 2017, Bưu điện tỉnh đã thực hiện chuyển phát 16.693 lượt hồ sơ TTHC, trong đó có 4.920 lượt hồ sơ được tiếp nhận và 11.773 lượt hồ sơ trả kết quả giải quyết TTHC. Năm 2018, thực hiện chuyển phát 27.968 lượt hồ sơ TTHC, trong đó có 7.439 lượt hồ sơ được tiếp nhận và 20.529 lượt hồ sơ được chuyển trả kết quả giải quyết TTHC. Đến hết tháng 6/2019, có 12.691 hồ sơ TTHC, trong đó có 5.578 hồ sơ được tiếp nhận và 7.023 hồ sơ trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ Bưu chính công ích. Việc triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích góp phần cải cách hành chính và từng bước nâng cao tính chuyên nghiệp của bộ máy hành chính, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát việc thực hiện các thủ tục hành chính của các cơ quan hành chính các cấp.

Với những nỗ lực của các cấp chính quyền toàn tỉnh, Bắc Kạn mong muốn sẽ xây dựng chính quyền điện tử đồng bộ, tập trung, dùng chung và thống nhất trên một nền tảng hiện đại, chia sẻ, liên thông kết nối. Sự liên thông kết nối trong hệ thống, giúp cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi. Mục tiêu sẽ là hình thành chính quyền điện tử làm tăng sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.

Cần sự đồng lòng của người dân

Ứng dụng rộng rãi CNTT trong hoạt động nội bộ của các cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hướng tới nền hành chính hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Đồng thời thực hiện đào tạo nguồn nhân lực vận hành hiệu quả hệ thống CQĐT, gắn xây dựng CQĐT với trung tâm dịch vụ hành chính công và cải cách thủ tục hành chính... là những nỗ lực của Bắc Kạn trong lộ trình xây dựng chính quyền điện tử thời gian qua. Nhưng để những hoạch định đạt được kết quả như kỳ vọng, không chỉ cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính quyền, mà hơn hết, người dân giữ vai trò quyết định. Bởi người dân là trung tâm phục vụ của chính quyền điện tử. Việc tuyên truyền để người dân hiểu về chính quyền điện tử là điều cần thiết và phải được thực hiện ngay.

Hiện nay, rào cản lớn nhất trong triển khai chính quyền điện tử của Bắc Kạn chính là nhận thức về việc cần áp dụng vào thực tiễn còn hạn chế. Muốn phát triển dịch vụ công trực tuyến, công chức, viên chức phải đi đầu thực hiện thì nhiều người còn chưa nắm rõ, chưa áp dụng và cứ thế làm theo kiểu theo truyền thống thì khó tác động được đến người dân. Trong xu thế xây dựng Chính phủ kiến tạo và phục vụ nhân dân, hạn chế này rất cần được các địa phương chủ động, tích cực cải thiện trong thời gian tới, trong đó, nổi bật là nâng cao tỷ lệ hồ sơ DVCTT, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn để thay đổi nhận thức, thói quen của cán bộ công chức và người dân, doanh nghiệp tại mỗi xã, phường, thị trấn.

Quang cảnh Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND huyện Na Rì

Ngoài ra, không thể không kể đến vai trò bắt nhịp của người dân đối với chính quyền điện tử. Qua ghi nhận, tại không ít bộ phận một cửa của cấp phường, xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, rất nhiều người đến làm các TTHC là người lớn tuổi, đồng bào dân tộc thiểu số, thiếu kiến thức về CNTT, ngại sử dụng CNTT, thích theo cách truyền thống là viết tay. Tuyên truyền để người dân có thể thay đổi thói quen cũ, nhưng cũng không nên khiên cưỡng với những trường hợp không hoặc chưa có khả năng tiếp thu cách làm mới... đó là cách làm thiết thực với tình hình thực tế.

Trên cơ sở hiểu rõ về thực tiễn của địa phương, hiện nay, các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn đang tiếp tục tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội, bảo đảm CNTT là một trong các nội dung trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan, đơn vị. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong chỉ đạo, tổ chức ứng dụng CNTT; tổ chức hoạt động theo dõi, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện được thường xuyên, hiệu quả hơn. Cùng với đó, cấp ủy đảng các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức cơ sở đảng và đảng viên tiên phong gương mẫu và có các giải pháp cụ thể để tiếp tục triển khai có hiệu quả mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Kạn và nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh./.

 

Nguyễn Nga