Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 29/06/2023 - Lượt xem: 108
Xem với cỡ chữ

Từ 01/7/2023, chính thức thực hiện việc chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

Xây dựng thí điểm mô hình chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023 (mỗi huyện, thành phố lựa chọn 01 xã để thí điểm triển khai) nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đó là nội dung Kế hoạch số 369/KH-UBND ngày 14/6/2023 của UBND tỉnh về việc thí điểm triển khai thực hiện chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023.

Theo đó, từ 01/7/2023, chính thức thực hiện việc chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Các nội dung triển khai bao gồm:

Xây dựng chính quyền số

Đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông (trạm BTS, các tuyến truyền dẫn băng rộng) đảm bảo phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và internet băng rộng đến trung tâm xã và 100% các thôn trên địa bàn 08 xã.

Tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng mạng nội bộ (LAN) của xã, từ đó nâng cấp, bổ sung các thiết bị cần thiết như: Switch, router, firewall…; tối ưu hóa cấu hình mạng nội bộ để đáp ứng việc triển khai các nền tảng, ứng dụng CNTT dùng chung bảo đảm an toàn, an ninh mạng.

Triển khai đường truyền số liệu chuyên dùng cấp II, kết hợp mạng Internet; kết nối toàn bộ các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, các ứng dụng của xã để đảm bảo an toàn thông tin, toàn vẹn dữ liệu trong quá trình hoạt động ứng dụng, chỉ đạo điều hành của chính quyền xã.

Nâng cấp, bổ sung hệ thống thiết bị CNTT, máy tính để đảm bảo cấu hình, yêu cầu của thiết bị phục vụ triển khai các ứng dụng cho cán bộ, công chức tại UBND các xã; đảm bảo 100% các máy tính của cán bộ, công chức tại UBND cấp xã được cài đặt phần mềm diệt virut. Đầu tư, nâng cấp điểm cung cấp dịch vụ bưu chính, viễn thông tại 08 xã triển khai thí điểm chuyển đổi số.

Hỗ trợ, khuyến khích người dân trang bị, sử dụng điện thoại thông minh trong sử dụng DVCTT và các ứng dụng thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp cận, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản lên các sàn TMĐT...

Phát triển kinh tế số

Phát triển thương mại điện tử:

Rà soát danh mục các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của xã để xây dựng thương hiệu, triển khai dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, làm các thủ tục pháp lý khác theo quy định đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart, …); nghiên cứu giải pháp kết nối với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bán sản phẩm.

Đào tạo các nhóm “Công dân số” (chủ yếu là các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các thôn) biết truy cập mạng internet, sử dụng máy tính, các nền tảng số, mạng xã hội thành thạo để tìm kiếm thông tin, quảng bá các sản phẩm thương mại và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

 Hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản mạng xã hội; đăng tải tin bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Tuyên truyền khuyến khích người dân tham gia các chương trình thương mại điện tử.

Triển khai thanh toán điện tử:

Triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công, bán hàng, kinh doanh, hóa đơn tiền điện, tiền nước, các dịch vụ khác.

Phối hợp với các ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh triển khai các hình thức thanh toán điện tử, gồm: Thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua cổng thanh toán, thanh toán bằng ví điện tử và thanh toán bằng thiết bị điện thoại thông minh cho người dân.

Tuyên truyền, khuyến khích, hướng dẫn cho người dân sử dụng các phương thức/dịch vụ thanh toán điện tử an toàn, tin cậy trong giao dịch hàng hóa.

Xây dựng mã địa chỉ trên nền tảng địa chỉ số:

 Triển khai thông báo địa chỉ số đến các hộ gia đình trong xã phục vụ phát triển thương mại điện tử, chuyển phát bưu chính.

Phát triển xã hội số

Giao tiếp với người dân: Thiết lập kênh giao tiếp giữa chính quyền xã và người dân thông qua hệ thống tin nhắn SMS, mạng xã hội Zalo, trang thông tin điện tử, ứng dụng Công dân số để kịp thời truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của chính quyền tới người dân; tiếp nhận thông tin, ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền để tăng cường sự tin tưởng, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và Nhân dân trên địa bàn xã;

Đầu tư, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông thay cho hệ thống truyền thanh truyền thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát bản tin tuyên truyền, để quản lý hệ thống truyền thanh.

Giáo dục thông minh:

Căn cứ tình hình, hiện trạng việc ứng dụng dịch vụ CNTT tại các trường học trên địa bàn từng xã để triển khai các phần mềm sau: Phần mềm kiểm định chất lượng giáo dục cấp trường trực tuyến; Phần mềm tuyển sinh đầu cấp; Triển khai các ứng dụng: Sổ liên lạc điện tử, tin nhắn SMS… Phần mềm học tập online trong các cấp học trên địa bàn xã. Ứng dụng chữ ký số trong ký hồ sơ giáo dục.

Y tế thông minh: Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa trong cộng đồng (Telemedici) và ứng dụng medici để tư vấn sức khỏe cho người dân. Triển khai hệ thống tư vấn, chẩn đoán khám, chữa bệnh từ xa tại trạm y tế xã (Telehealth). Triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử. Triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn theo quy định tại Quyết định số 3523/QĐ-BYT ngày 12/8/2020 của Bộ Y tế.

Quảng bá thương hiệu địa phương: Xây dựng bộ nhận diện thương hiệu chung của xã trên môi trường mạng. Thiết lập các kênh quảng bá về mô hình xây dựng xã thông minh trên các Trang/Cổng thông tin điện tử và mạng xã hội. Hướng dẫn, hỗ trợ người dân, hộ kinh doanh, hợp tác xã tạo và đăng ký thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ của mình.

***

Việc triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn phải đảm bảo phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng xã, đồng thời bám sát các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Kế thừa những kết quả đã đạt từ mô hình chuyển đổi số của xã Vi Hương, huyện Bạch Thông để áp dụng triển khai thí điểm tại 08 xã đảm bảo linh hoạt, hiệu quả; có sự thống nhất, đồng thuận tham gia của người dân, doanh nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện.

Thời gian tổ chức đánh giá sơ bộ kết quả triển khai thí điểm chuyển đổi cấp xã: Tháng 12/2023./.

Nguyễn Nga