Để vùng sâu, vùng xa phát triển, công nghệ thông tin - truyền thông đóng vai trò quan trọng thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, hộ dân chuyển đổi nền kinh tế, tham gia nền kinh tế số, từ đó giảm bớt tác động đói nghèo, thiếu kết nối, thúc đẩy và tăng trưởng kinh tế dài hạn.
Theo Nghị định số 114/2017/NĐ-CP của Chính phủ, "Vùng sâu, vùng xa" được xác định là vùng dân cư thưa thớt, nằm sâu trong rừng núi hoặc vùng ngập nước, ở xa các trung tâm kinh tế, văn hóa, giao thông không thuận tiện, đi lại khó khăn, kinh tế thường lạc hậu, kém phát triển.
Ngày 18 tháng 6 năm 2021, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã ban hành Quyết định số 433/QĐ-UBDT về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, theo đó cả nước có 2.027 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 40 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với tỉnh Bắc Kạn, trong giai đoạn 2021 - 2025 cả tỉnh có 65 thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của 07 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Xây dựng mô hình xã hội số ở vùng sâu, vùng xa thúc đẩy phát triển nhanh, toàn diện. Nếu ứng dụng công nghệ rời rạc, thì sẽ không hiệu quả, nhưng nếu xây dựng được một cộng đồng cùng phối hợp triển khai, người này hỗ trợ người kia, người biết hỗ trợ những người chưa biết, từ việc đơn giản cho đến phức tạp thì có thể thay đổi được một cộng đồng. Xây dựng xã hội số là con đường nhanh nhất phát triển vùng sâu, vùng xa.
Để thúc đẩy phát triển vùng sâu, vùng xa, Chính phủ ban hành những chiến lược phát triển với những mục tiêu rõ ràng. Chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025( được phê duyệt tại Quyết định số 1162/QĐ-TTg ngày 13/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ) nêu rõ mục tiêu phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền; đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng ở miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Mục tiêu của chương trình đến năm 2025: Đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo đạt mức tăng trưởng 9% - 11% hàng năm trong giai đoạn 2021 - 2025.
Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu: Tỷ lệ dân số trưởng thành có điện thoại thông minh đạt 80. Đây là một trong những yếu tố có thể sẽ làm thay đổi, tác động đến người dân nhiều nhất khi người dân có thể truy cập Internet bằng điện thoại thông minh.
Thúc đẩy ứng dụng CNTT-TT được kỳ vọng là một trong các cách thức tiếp cận hiệu quả góp phần thu hẹp khoảng cách và chênh lệch giữa các khu vực để đạt được mục tiêu tăng trưởng bao trùm và bền vững.
Một trong những vấn đề khó khăn nhất của vùng sâu vùng xa là giao thông đi lại khó khăn. Để giải quyết vấn đề này một cách nhanh nhất, thu hẹp khoảng cách hiệu quả sớm nhất chỉ có một con đường là kết nối người dân vùng sâu, vùng xa với thế giới văn minh thông qua các nền tảng công nghệ số, thông qua CNTT-TT. Đây được coi là yếu tố thúc đẩy phát triển toàn diện của vùng sâu vùng xa, nhanh nhất so với tất cả các yếu tố khác.
Cần có những mô hình sản xuất mới phù hợp với vùng sâu, vùng xa; khai thông đầu ra, mở ra thị trường mới cho người dân. Cần đẩy mạnh cung cấp nhiều dịch vụ số, bao gồm cả dịch vụ công và các dịch vụ số khác (dịch vụ về phát triển kinh tế, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ giáo dục đào tạo)… Vùng sâu, vùng xa có phát triển được hay không một phần quan trọng chính là tổng hợp của các dịch vụ này.
Trên thực tế việc ứng dụng công nghệ có thể làm thay đổi cách sống, cách canh tác, làm việc, mua bán… của người dân ở các khu vực này. Tại tỉnh Bắc Kạn, đồng bào dân tộc đã biết tận dụng lợi thế của mạng xã hội, livestream để giới thiệu các sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền và bán hàng qua mạng, hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng đã tăng lên rõ rệt.
Điều này cho thấy một điều rất quan trọng là ở vùng sâu, vùng xa, người dân chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối Internet là cuộc sống có thể có những thay đổi nhất định. Cuộc sống thay đổi ở đây không chỉ là bán được hàng qua mạng, mà nó còn mang đến những cơ hội giới thiệu, quảng bá văn hóa, con người địa phương đến với cộng đồng.
Một trong những nhiệm vụ quan trọng được Bắc Kạn tập trung thực hiện thời gian qua đó là, phát triển mạnh mẽ tổ công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ) tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Tổ CNSCĐ có thể đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà tuyên truyền để người dân hiểu, vận động người dân trau dồi và nâng cao các kiến thức cũng như kỹ năng số. Tổ này chính là lực lượng xung kích giúp người dân tiếp thu những hướng dẫn của tổ và những thành viên trong tổ cũng nhận được hướng dẫn từ các chuyên gia.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn do điều kiện kinh tế - xã hội, cơ cấu chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, hạ tầng phục vụ cho CĐS còn nhiều khó khăn, hạn chế... song, với quyết tâm từng bước tháo gỡ khó khăn, nỗ lực CĐS vì sự phát triển bền vững, tỉnh Bắc Kạn đang từng bước đưa CĐS vào trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, đồng thời thúc đẩy phát triển hạ tầng số rộng khắp, hiện đại, phổ cập điện thoại thông minh tới người dân, giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển... góp phần mang lại cuộc sống tiện ích, hiện đại cho người dân./.