Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 13/07/2023 - Lượt xem: 58
Xem với cỡ chữ

6 tháng đầu năm 2023, chuyển đổi số toàn quốc có nhiều điểm sáng

Chiều 12/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án phát triển dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Tại điểm cầu UBND tỉnh Bắc Kạn, các đồng chí: Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Duy Hưng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì Hội nghị.

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi nhiều trí tuệ, nguồn lực, thời gian… Với quan điểm triển khai chuyển đổi số để phục vụ con người, lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể xuyên suốt, việc thực hiện các nội dung, nhiệm vụ đã được tiến hành bài bản, tích cực. Đến nay, nước ta đã nhanh chóng xây dựng được cơ sở dữ liệu dân cư, đi sau nhưng về trước nhiều nước trên thế giới. Cơ sở dữ liệu về dân cư có ý nghĩa rất quan trọng, là điều kiện cốt lõi để triển khai chuyển đổi số, cải cách TTHC, nâng cao cạnh tranh thu hút đầu tư… Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tại Hội nghị cần tiếp tục bàn thảo, tìm hướng tháo gỡ những vướng mắc về chủ trương, thể chế…; tìm ra giải pháp để có bước tiến tốt hơn trong 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo.

Hội nghị đã nghe lãnh đạo các bộ, ngành trình bày báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm về những nội dung như: Mức độ chuyển đổi số năm 2022; hoạt động Cổng dịch vụ công; tình hình thực hiện Chương trình, Chiến lược quốc gia đến năm 2025; sơ kết công tác chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 6 tháng đầu năm, phương hướng 6 tháng cuối năm 2023. Qua đó có thể khẳng định, trong 6 tháng đầu năm công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 có những điểm sáng quan trọng.

Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ, điều kiện thuận lợi cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và Đề án 06 nói riêng được triển khai tích cực. 01 Luật, 01 Nghị định, 02 Chỉ thị, 01 Công điện, 07 Nghị quyết, 11 Thông báo kết luận của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian mới (không gian số), giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn chuyển đổi số thời gian vừa qua, giải quyết các “điểm nghẽn” nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh.

Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến mạnh mẽ, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. 100% bộ, ngành, địa phương thường xuyên duy trì và phát triển hoạt động của các chuyên trang, chuyên mục về chuyển đổi số trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, địa phương. Đặc biệt, tháng 02/2023, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã phát động Tháng Thanh niên năm 2023 với chủ đề "Tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số" trong toàn Đoàn và thanh niên cả nước.

Hạ tầng số tiếp tục phát triển. Mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 04 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, Mạng đã kết nối đến 100% huyện, 100% xã trên toàn quốc. Các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng (đạt 89,5%).

Dữ liệu số được quan tâm đầu tư xây dựng. CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 13 bộ, ngành, 63 địa phương, 01 doanh nghiệp nhà nước và 03 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Cả nước đã tiến hành cấp trên 48 triệu tài khoản định danh điện tử cho công dân (vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao)…

Dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh. Các bộ ngành đã phối hợp tích hợp, cung cấp 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06 và 10/28 DVC theo Quyết định số 442/QĐ-TTg trên Cổng DVC quốc gia. Trong 6 tháng đầu năm, Cổng DVC quốc gia có hơn 3,6 triệu tài khoản đăng ký; gần 56 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 7,88 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 9,75 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng.

Công tác bảo đảm an ninh, an toàn các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, bảo vệ dữ liệu cá nhân được quan tâm, chú trọng. Đến tháng 6/2023, có 63% hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước hoàn thành phê duyệt cấp độ an toàn, tăng 2 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế được chỉ ra trong hoạt động chuyển đổi số 6 tháng đầu năm như: Chất lượng dịch vụ công trực tuyến (theo tiêu chí đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, an toàn, an ninh) còn thấp, chưa đạt kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp. Nền tảng xã hội số, thương mại điện tử còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng tự chủ trong chuyển đổi số quốc gia. Nhân lực cho chuyển đổi số còn chưa đáp ứng được nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều. An toàn, an ninh mạng còn tiềm ẩn nhiều rủi ro…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh và yêu cầu các địa phương, đơn vị phải xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan và là nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước; cần tạo đột phá hơn nữa với quan điểm toàn dân, toàn diện, tổng thể, không để ai bị bỏ lại phía sau nhưng phải có ưu tiên. 

Thủ tướng nêu rõ 4 ưu tiên trong chuyển đổi số gồm: Ưu phát triển dữ liệu, xây dựng cơ sở dữ liệu “đúng, đủ, sạch, sống”; ưu tiên phát triển các dịch vụ công trực tuyến gắn với đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và có đối tượng bao phủ lớn; ưu tiên phát triển các nền tảng (nhất là các cơ sở dữ liệu quốc gia); ưu tiên bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin.

Đối với Đề án 06 - cần xác định đây là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia; cần huy động mọi nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai CSDLQG về dân cư.

Thủ tướng đề nghị các địa phương, đơn vị cần chủ động, có tư duy đột phá, đổi mới sáng tạo trong chuyển đổi số, góp phần tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chính quyền số, kinh tế số, xã hội số…/.

Thu Hiền