Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 21/07/2023 - Lượt xem: 47
Xem với cỡ chữ

Bắc Kạn sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số và Đề án 06

Chiều ngày 20/7/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đồng chủ trì Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố; thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 của tỉnh.

Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06 tỉnh Bắc Kạn

Chuyển đổi số còn nhiều khó khăn, hạn chế

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã báo cáo kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh 6 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; giải trình làm rõ kết quả xếp hạng Chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) năm 2022.

Theo đó, 6 tháng đầu năm, việc ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác chuyển đổi số được sự quan tâm của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh, UBND tỉnh. Các văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn triển khai công tác chuyển đổi số được thực hiện thường xuyên. Hoạt động chuyển đổi nhận thức, phát triển nguồn nhân lực được quan tâm thực hiện.Các hệ thống thông tin, nền tảng số, các phần mềm, CSDL của tỉnh và các ngành tiếp tục được duy trì, xây dựng.

Phần mềm Quản lý văn bản và điều hành được triển khai đến 100% cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể ở cả 3 cấp và triển khai đến một số cơ quan  trung ương đóng trên địa bàn. Hệ thống “Một cửa điện tử|”, “Một cửa điện tử liên thông” và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao được triển khai sử dụng tại 132 đơn vị.

Mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 3 cấp, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp.

Trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng các nền tảng, hệ thống phục vụ ứng dụng trong công tác quản lý, điều hành, báo cáo, thống kê, đo lường, giám sát, họp trực tuyến, làm việc từ xa như: Trung tâm điều hành thông minh (IOC) và Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Bắc Kạn; Trung tâm giám sát và điều hành an toàn thông tin mạng (SOC); Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến phục vụ các cuộc họp trực tuyến của các cơ quan nhà nước trong tỉnh; …

Hiện tại, tỉnh đã xây dựng và đang khai thác sử dụng 12 CSDL; đồng thời đang triển khai xây dựng 8 CSDL của các ngành. Hiện nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang khai thác sử dụng 95 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL khác nhau để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết TTHC, hỗ trợ nghiệp vụ...Trong đó, có 45 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL do các Bộ, ngành Trung ương triển khai, 40 hệ thống do tỉnh đầu tư triển khai và 10 hệ thống đang được các đơn vị dùng thử.

Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh tiếp tục duy trì kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư, cán bộ bộ phận một cửa các cấp hiện đã thực hiện việc tra cứu, khai thác thông tin công dân trực tuyến trên CSDL quốc gia này trong quá trình thực hiện TTHC tương đối thuận tiện.Trong 6 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến của tỉnh đạt 52,3%.

Tỉnh đã ban hành danh mục dữ liệu mở, làm căn cứ để thúc đẩy việc mở dữ liệu, giúp công khai, minh bạch và mở ra cơ hội tạo ra những giá trị mới từ dữ liệu quản lý của các cơ quan nhà nước. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến ngày càng đồng bộ và cải thiện cả về số lượng và chất lượng (số lượng hồ sơ phát sinh trực tuyến khá cao, đạt 53,5%); việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến bước đầu được thực hiện.

Về phát triển kinh tế số, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Công Thương triển khai kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực cho các thương nhân sản xuất kinh doanh và các thương nhân xuất khẩu tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử uy tín năm 2023, lựa chọn 8 thương nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh có tiềm năng, phù hợp với mục tiêu phát triển thương mại điện tử tham gia các sàn thương mại điện tử trong nước. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tham mưu triển khai các giải pháp hỗ trợ công nghệ và hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh.

Trong phát triển xã hội số, Ngành y tế đang tiếp tục phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan thực hiện sàng lọc theo Đề án 06 để tiếp tục chuẩn hóa làm sạch dữ liệu tiêm chủng, hồ sơ sức khỏe cá nhân. Sở Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn hướng dẫn cán bộ Một cửa các cấp thực hiện tra cứu, khai thác thông tin công dân trực tuyến trên CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 15/6/2023, đã có 6.400 yêu cầu tra cứu, xác thực thông tin công dân với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhìn chung hoạt động chuyển đổi số 6 tháng đầu năm của tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Việc triển khai các nền tảng, hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh đang hoạt động tương đối độc lập; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu của tỉnh và các ngành chưa được triển khai một cách hiệu quả. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên cổng DVCQG còn thấp (1,49%). Triển khai hoạt động kinh tế số còn khá đơn lẻ, mới tập trung vào đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, chưa triển khai được các vấn đề liên quan khác như chuyển đổi số từ quy trình sản xuất, quản lý, thay đổi một cách tổng thể trong hoạt động của doanh nghiệp giúp tối ưu hóa quy trình hoạt động.

Đặc biệt, theo kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số chuyển đổi số (DTI) cấp tỉnh năm 2022 được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố ngày 12/7/2023, tỉnh Bắc Kạn xếp thứ 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, giảm 12 bậc so với năm 2022 mặc dù tổng điểm đạt được có tăng so với năm trước.Trong đó, nhiều tiêu chí tỉnh để mất điểm đáng tiếc. Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đã giải trình làm rõ từng tiêu chí đạt điểm thấp hoặc không có điểm, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp đối với từng nhiệm vụ, tiêu chí.

Đề án 06 thực hiện đạt những kết quả khả quan

Đối với Đề án 06, trong 6 tháng đầu năm, việc thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả nhất định. Tính đến ngày 15/6/2023, tỉnh Bắc Kạn có 1.298 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đã được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Để góp phần giảm chi phí, đem lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 407/KH-UBND ngày 27/6/2023 về thực hiện chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (bắt đầu  từ ngày 01/7/2023 và kết thúc vào ngày 10/10/2023.

Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu; tính đến ngày 30/6/2023 toàn tỉnh tiếp nhận 54.731 hồ sơ, trong đó: tiếp nhận trực tuyến 39.371/54.731 hồ sơ, đạt 72%.Các nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phát triển công dân số được các ngành chú trọng. Ngành Y tế tập trung làm sạch dữ liệu tiêm chủng, tiếp tục triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng CCCD gắn chíp. Ngành Giáo dục tiếp tục chỉ đạo triển khai 100% cơ sở giáo dục thực hiện các khoản thu không dùng tiền mặt…

Lực lượng công an các cấp tập trung tăng cường cán bộ, bố trí thiết bị, trực ngoài giờ để thu nhận hồ sơ cấp CCCD, đăng ký tài khoản định danh điện tử cho công dân toàn tỉnh. Đến ngày 18/6/2023, Cục C06 Bộ Công an đã ghi nhận cho tỉnh Bắc Kạn cơ bản hoàn thành cấp 100% CCCD cho công dân đủ điều kiện trên địa bàn.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, nhận thức của cán bộ lãnh đạo một số xã, thôn bản về thực hiện Đề án số 06 chưa đầy đủ; vai trò của cấp ủy, thủ trưởng, chính quyền địa phương chưa sâu. Nguồn kinh phí để thực hiện Đề án 06 chưa được bố trí. Hạ tầng, cơ sở vật chất, tốc độ đường truyền chưa đáp ứng yêu cầu thực tế…

Tại cuộc họp, các đại biểu đã tập trung làm rõ những hạn chế còn tồn tại trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số; đặc biệt là những nguyên nhân dẫn đến chỉ số xếp hạng DTI của tỉnh năm 2022 cũng như giải pháp khắc phục, nhiệm vụ cụ thể của từng ngành trong thời gian tới.

Chuyển đổi số cần hành động hiệu quả và thiết thực hơn

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình nhấn mạnh: Thời gian qua, tỉnh luôn đặc biệt quan tâm đến công tác chuyển đổi số và Đề án 06. Tuy nhiên, kết quả đạt được còn thấp, cho thấy hệ thống chính trị các cấp cần phải nỗ lực hơn nữa, hành động hiệu quả và thiết thực hơn nữa. Chỉ số xếp hạng DTI của tỉnh năm 2022 ở mức thấp cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo cũng như triển khai thực hiện các nhiệm vụ.

Do đó trong thời gian tới, các địa phương đơn vị phải quán triệt nâng cao nhận thức, có giải pháp cụ thể nâng cao hiệu quả hoạt động chuyển đổi số và Đề án 06, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đơn vị. Người lãnh đạo phải làm gương đi đầu trong chuyển đổi số tại đơn vị cũng như trong thực hiện công vụ. Cá thành viên ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp tỉnh cần phát huy hơn nữa vai trò, tích cực chỉ đạo thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong phạm vi, lĩnh vực mình phụ trách.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương đặc biệt nêu cao trách nhiệm trong thực hiện thí điểm 8 xã phường chuyển đổi số. Các đơn vị chủ đầu tư đẩynhanh tiến độ các dự án công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Lực lượng doanh nghiệp viễn thông cần tích cực tham gia phối hợp triển khai các nhiệm vụ. Huy động mạnh mẽ MTTQ, các đoàn thể cùng tham gia tuyên truyền, vận động đoàn viên hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số.

Các tập thể và cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh

Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh đã tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 06 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 01 năm triển khai, thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn./.

Thu Hiền