Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 20/07/2023 - Lượt xem: 83
Xem với cỡ chữ

Phát huy vai trò tổ công nghệ số cộng đồng: Chiến lược “mưa dầm thấm lâu”

Chuyển đổi số cần bắt đầu từ người dân, lấy người dân làm trung tâm, làm cho người dân thấy công nghệ là thứ dễ dàng, thiết thực. Từ đó lan tỏa, đưa công nghệ số đến mọi ngõ ngách của cuộc sống, thúc đẩy chuyển đổi số trong toàn xã hội.

“Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”

Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định quan điểm sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hành động đồng bộ ở các cấp và sự tham gia của toàn dân là yếu tố bảo đảm sự thành công của chuyển đổi số.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được phê duyệt tại Quyết định số 411/QĐ-TTg ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ xác định rõ giải pháp tổ chức Tổ công nghệ số cộng đồng đến từng khối phố, thôn, bản với các tổ viên là cán bộ kiêm nhiệm và các thành viên tại chỗ năng nổ, nhiệt tình, được đào tạo về kỹ năng số để phổ biến hướng dẫn, trợ giúp người dân sử dụng công nghệ số và các nền tảng số “Make in Việt Nam”, hình thành mạng lưới triển khai công nghệ rộng khắp trên toàn quốc.

Thực hiện chủ trương nêu trên, ngày 05/3/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Văn bản số 793/BTTTT-THH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để hướng dẫn thí điểm triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng (Tổ CNSCĐ) tại địa phương. Hơn 01 năm qua, các địa phương đã tích cực, nỗ lực thiết lập, đưa vào hoạt động các Tổ CNSCĐ, dần hình thành Mạng lưới triển khai, hỗ trợ thiết thực, hiệu quả công tác chuyển đổi số trên toàn quốc. Kết quả cụ thể như sau:

Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với hơn 74.422 Tổ CNSCĐ và 348.362 thành viên, trong đó 52/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã. Mỗi Tổ CNSCĐ có khoảng 04 đến 09 thành viên, trong đó Tổ trưởng các tổ dân phố, Công an khu vực, Ban chấp hành Đoàn Thanh niên (các chi đoàn, đoàn cơ sở) và Doanh nghiệp công nghệ số là lực lượng nòng cốt.

Riêng với tỉnh Bắc Kạn, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập được 108/108 Tổ CNSCĐ cấp xã với 1044 thành viên; 1292/1292 Tổ CNSCĐ cấp thôn với 6.062 thành viên đạt 100% các đơn vị cấp thôn trên địa bàn tỉnh. Tổ công nghệ số cộng đồng là “cánh tay nối dài” của chính quyền, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh. Các thành viên của Tổ CNSCĐ có nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” biết, hiểu và thực hiện 5 nội dung kỹ năng số cơ bản: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Mua sắm trực tuyến; Thanh toán trực tuyến; Tự bảo vệ mình trên không gian mạng; Sử dụng nền tảng số khác tùy đặc thù của địa phương.

Để trang bị, cập nhật kiến thức, kỹ năng cho các thành viên Tổ CNSCĐ, trong tháng 9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các địa phương, doanh nghiệp công nghệ số tổ chức phổ biến, tập huấn kỹ năng số cho 255.545 thành viên Tổ CNSCĐ tại 59/63 địa phương theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Tại tỉnh Bắc Kạn, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Cục Chuyển đổi số và các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 1800 thành viên Tổ CNSCĐ theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến, điểm cầu chính tại Sở Thông tin và Truyền thông. Cùng với đó, hướng dẫn triển khai nhiệm vụ của Tổ CNSCĐ ở các địa phương; cung cấp 06 tài liệu hướng dẫn người dân bao gồm: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; mua bán trên sàn thương mại điện tử Voso, Postmart; sử dụng nền tảng số Việt Nam do địa phương lựa chọn; kỹ năng sử dụng phần mềm đảm bảo an toàn thông tin mạng cơ bản; nội dung quan trọng khác theo định hướng, chỉ đạo của Chính quyền địa phương. Qua đó, giúp thành viên Tổ CNSCĐ và người dân có thể dễ dàng truy cập, tham gia khóa bồi dưỡng trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà của Bộ TTTT.

Với sự hỗ trợ của Mạng lưới Tổ CNSCĐ, nhận thức, kỹ năng số cơ bản của người dân đã cải thiện, góp phần đạt được những thành quả ban đầu của công cuộc chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt trong việc triển khai các nền tảng số quốc gia, quy mô toàn quốc, tác động trực tiếp tới quyền lợi, trách nhiệm của người dân như: Nền tảng VNeID, Nền tảng học trực tuyến MOOCs, Cổng dịch vụ công quốc gia, Nền tảng thanh toán trực tuyến, Nền tảng tuyển sinh trực tuyến, Nền tảng khám chữa bệnh từ xa...

Chiến lược “mưa dầm thấm lâu”

Chuyển đổi số là một quá trình, khó khăn lớn nhất là thay đổi nhận thức của người dân; thách thức lớn nhất là thay đổi thói quen của người dân; điều kiện cần thiết nhất là người dân có kỹ năng số. Quá trình triển khai nhiệm vụ của các thành viên Tổ CNSCĐ không tránh khỏi nhiều khó khăn, thậm chí hoạt động miệt mài nhưng hiệu quả chưa thấy được ngay, chưa được cộng đồng, xã hội, chính quyền ghi nhận ngay. Chính vì vậy, hoạt động của Tổ CNSCĐ là chặng đường dài, đòi hỏi sự kiên trì, nhiệt huyết của chính các thành viên Tổ CNSCĐ, hay nói cách khác là “mưa dầm thấm lâu”.

Tổ CNSCĐ có sứ mệnh hỗ trợ cho người dân sử dụng công nghệ số, đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách cuộc sống; giúp người dân được tiếp cận công nghệ theo cách đơn giản, xuất phát từ nhu cầu tự nhiên và tạo ra giá trị thiết thực đối với người dân. Khi người dân sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số để phục vụ cho nhu cầu tự nhiên thì hiệu quả mang lại bền vững, người dân thụ hưởng được những lợi ích, giá trị thiết thực do chuyển đổi số mang lại. Các ứng dụng, phần mềm gần gũi với thực tế, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đến đời sống hằng ngày để giải quyết, mang lại hiệu quả, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân thì sẽ được đón nhận, lan tỏa, sẽ tiếp tục nhân rộng thành công./.

Nguyễn Nga