Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 27/07/2023 - Lượt xem: 57
Xem với cỡ chữ

Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn

Thời gian qua, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được coi là đòn bẩy thúc đẩy quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, quyết liệt hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bắt tay vào thực hiện CĐS, tỉnh ta có những thuận lợi do có nền tảng vững chắc của quá trình xây dựng chính quyền điện tử và chú trọng cải cách hành chính (CCHC), cung cấp những dịch vụ tiện ích phục vụ người dân, doanh nghiệp. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các giải pháp đẩy mạnh việc ứng dụng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để xây dựng chính quyền điện tử gắn với cải cách hành chính. Hạ tầng mạng viễn thông được phủ rộng từ tỉnh đến cơ sở; hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Trung tâm điều hành thông minh, hệ thống một cửa điện tử liên thông, dịch vụ công trực tuyến mức độ cao ngày càng được nâng lên về chất lượng và hiệu quả.

Tuy nhiên, CĐS là quá trình thay đổi tổng thể, toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc, phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân. Trong khi đó, khi bắt tay vào triển khai trên địa bàn tỉnh thì CĐS vẫn là một khái niệm mới, nhiều cán bộ, đảng viên chưa hiểu thấu đáo nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện... Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước hiệu quả chưa cao, hệ thống ứng dụng chuyên ngành chưa kết nối để trao đổi dữ liệu và liên thông nghiệp vụ; tỷ lệ người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh nói chung, dịch vụ công trực tuyến nói riêng còn thấp, chưa hình thành lực lượng “Công dân điện tử” trong xã hội. Cơ chế, chính sách về đầu tư hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin chưa đồng bộ nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu...

Đó là những “điểm nghẽn” cần tháo gỡ trong nhiệm vụ CĐS của tỉnh. Với quyết tâm thực hiện CĐS, coi đây là giải pháp đột phá để phát triển một cách tổng thể, toàn diện kinh tế - xã hội của tỉnh, ngay sau khi BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Chỉ thị 09-CT/TU ngày 03/8/2021 của Tỉnh uỷ về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Ban chỉ đạo CĐS của tỉnh đã tập trung rà soát, đánh giá, nhận diện “điểm nghẽn” và lựa chọn giải pháp tháo gỡ. 

Trên cơ sở phân tích dữ liệu, tỉnh ta đã đưa ra những giải pháp tổng thể cho quá trình CĐS gồm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số; xác định mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về hiện đại hóa nền hành chính của địa phương trong chương trình tổng thể cải cách hành chính theo từng giai đoạn và hằng năm; đồng thời tích cực triển khai thực hiện chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp.  Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, tổ chức và nhân dân về hiện đại hóa nền hành chính, xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên; lồng ghép nội dung chuyển đổi số vào chương trình, kế hoạch công tác hằng năm.

Từ những nhiệm vụ cụ thể đã được xác định, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo nhằm tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với quá trình CĐS; đổi mới căn bản, toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền,từng bước xây dựng chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường.

Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn đặt ra các mục tiêu bao gồm: Cung cấp dịch vụ công chất lượng cao cho người dân và doanh nghiệp; huy động sự tham gia rộng rãi của người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển đối số; hoạt động của các cơ quan nhà nước được vận hành tối ưu dựa trên nền tảng dữ liệu và công nghệ số; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế - xã hội như: Y tế, giáo dục, giao thông,... Chuyển đổi từ CQĐT thành Chính quyền số là sự chuyển đổi có tính căn bản: Từ DVCTT thành dịch vụ số; khái niệm hệ thống CNTT được thay bằng hệ thống nền tảng; từ tiếp cận theo hướng dịch vụ trở thành tiếp cận hướng dữ liệu; từ công nghệ Web thành công nghệ 4.0 như di động (Mobile), đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT); từ sự tham gia của cơ quan nhà nước thành sự tham gia của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; từ cải cách thủ tục hành chính thành thay đổi mô hình quản trị; từ đo lường số lượng DVCTT thành dịch vụ công số. Thách thức của CQĐT chính là liên thông, tích hợp thì thách thức của Chính quyền số lại là quản lý sự thay đổi.

Phấn đấu đến năm 2025, Bắc Kạn nằm trong nhóm trung bình kết quả xếp hạng chỉ số chuyển đổi các tỉnh, thành phố của cả nước.

Phấn đấu đến năm 2030, Bắc Kạn trở thành tỉnh phát triển bền vững; chính quyền số được hình thành, trong đó các hoạt động của chính quyền có thể thực hiện 100% trên không gian số; kinh tế số chiếm vai trò lớn trong tăng trưởng GRDP; phát triển xã hội số an toàn; đảm bảo an toàn an ninh mạng.

Chuyển đổi số trong công tác tổ chức cuộc họp của UBND tỉnh -
Họp trực tuyến với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin

Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong triển khai hoạt động chuyển đổi số, cụ thể: Người đứng đầu chịu trách nhiệm trực tiếp về hoạt động chuyển đổi số tại cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tiên phong đi đầu trong việc chuyển đổi số; đổi mới lề lối, phương thức làm việc; căn cứ điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động đề ra các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, từng bước số hóa dữ liệu ngành, địa phương quản lý; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số với nghị quyết, chương trình, kế hoạch hành động, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; lấy kết quả triển khai thực hiện chuyển đổi số làm tiêu chí để đánh giá xếp loại.

Đến nay, mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 3 cấp, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp.  Hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao có 133 đơn vị sử dụng, đạt tỷ lệ 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã có TTHC. Hệ thống thư điện tử công vụ, chữ ký số chuyên dùng, các hệ thống thông tin chuyên ngành tiếp tục được duy trì sử dụng. Một số kết quả nổi bật về Chuyển đổi số: Tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh đạt 73%; Tỷ lệ phủ sóng băng rộng di động tới thôn/bản đạt 96%; Tỷ lệ hộ gia đình có cáp quang đạt 76,6%; Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 58%; Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính xử lý trực tuyến đạt 50%; Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 31,6%.

Xây dựng lộ trình hợp lý, xác định đúng, trúng nhiệm vụ trong từng giai đoạn cùng với có cơ chế phù hợp, sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền, ngành chức năng là những yếu tố giúp tỉnh đạt được những kết quả tích cực trong CĐS thời gian qua. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn đang đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số,  Đặc biệt, là huy động lượng triển khai chiến dịch 100 ngày chuyển đổi số trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến với mục tiêu nâng tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, là cốt lõi của chuyển đổi số trên địa bàn./.

Nguyễn Nga