Để thúc đẩy người dân tích cực tham gia CĐS, tỉnh đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng với thành viên nòng cốt là lực lượng thanh niên ngay tại địa bàn dân cư, làm cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân, thực hiện nhiệm vụ “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách về CĐS và trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, dịch vụ công trực tuyến... Qua đó giúp người dân tích cực tham gia CĐS trong từng lĩnh vực của đời sống, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số. Tính đến ngày 31/12/2022, toàn tỉnh đã thành lập được 108/108 tổ CNSCĐ cấp xã với 1044 thành viên; 1292/1292 tổ CNSCĐ cấp thôn với 6.062 thành viên, đạt 100% các đơn vị cấp thôn trên địa bàn tỉnh.
Chỉ tính riêng năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông đã tổ chức Hội nghị tập huấn bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số tại 08/8 huyện, thành phố với hơn 1.200 người tham dự, trong đó gồm tổ trưởng, một số thành viên của Tổ CNSCĐ cấp xã, cấp thôn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông đã chủ trì, phối hợp với Cục Chuyển đổi số và các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh, UBND các huyện, thành phố, UBND cấp xã để tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho 1.800 thành viên Tổ CNSCĐ theo hình thức trực tiếp, kết hợp trực tuyến, điểm cầu chính tại Sở Thông tin và Truyền thông.
Qua đó, trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn. Hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trong xã đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn” mở tài khoản thanh toán điện tử. Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số như: Sổ sức khỏe điện tử, VssID, PC-Covid, tạo các tài khoản, các loại ví điện tử và ứng dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt khi thanh toán các dịch vụ Y tế, giáo dục, chợ điện tử và tham gia mua bán hàng trực tuyến ... Việc hướng dẫn được thực hiện trực tiếp trên thiết bị, không “dạy chay” hay chỉ truyền thụ lý thuyết. Trong quá trình thao tác, cán bộ cơ sở gặp khó ở đâu sẽ được hướng dẫn gỡ ngay ở đó cho đến khi sử dụng thành thục.
Đồng thời, tỉnh cũng xây dựng các kênh truyền thông “Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn và duy trì hoạt động kênh Zalo OA “Hệ thống CQĐT tỉnh Bắc Kạn” nắm bắt kịp thời chủ trương, định hướng, thông tin về hoạt động CĐS quốc gia để lan toả sâu rộng thông tin đến cộng đồng dân cư. Cùng với các ngành chức năng, khối các doanh nghiệp viễn thông, ngân hàng, dịch vụ logistics tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tham gia CĐS và “chạy đua” đưa ứng dụng dịch vụ số, thanh toán số, thương mại điện tử đến với các tiểu thương, cộng đồng dân cư.
livestream quảng bá sản phẩm bí xanh thơm Ba Bể tổ chức vào tháng 7/2023 cho thấy
cách đi đúng hướng của tỉnh trong việc nâng cao nhận thức về kinh tế số
Từ cách làm cầm tay chỉ việc cho cán bộ, công chức; huy động hàng nghìn người dân tham gia lực lượng nòng cốt CĐS để lan tỏa việc ứng dụng các nền tảng số đã tạo nên một xã hội học tập hiếm gặp về CĐS từ trước đến nay. Chuyển biến rõ rệt nhất trong lĩnh vực kinh tế số, tính đến nay, toàn tỉnh có 104.933 hộ sản xuất nông nghiệp có tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 91.881 hộ được đào tạo kỹ năng số; 973 sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử; 27.176 giao dịch trên sàn thương mại điện tử, đạt tỷ lệ 26% tổng số giao dịch/tổng số tài khoản được tạo trên sàn thương mại điện tử https://voso.vn và https://Postmart.vn. Không những vậy, trong đời sống xã hội, các hình thức mua bán trực tuyến qua các kênh thương mại điện tử đã trở nên phổ biến. Người dân thành thạo trong sử dụng các ứng dụng liên lạc điện tử để kết nối, cập nhật thông tin.
Kết quả này cho thấy, dù mới ở bước đầu của quá trình CĐS, thời gian triển khai chưa dài nhưng tỉnh ta đã đi đúng hướng, lựa chọn đúng điểm đột phá, tạo cơ sở, nền tảng phát triển nhanh, bền vững, là động lực để thúc đẩy chuyển đổi số tiến xa hơn./.