Từ chủ trương đó, tỉnh Bắc Kạn cũng xác định lựa chọn triển khai chuyển đổi số theo một cách “rất riêng”, kết hợp thực hiện làm “từ trên xuống” và “từ dưới lên”.
Theo đó, năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn đã tham mưu cho UBND tỉnh lựa chọn xã Vi Hương (huyện Bạch Thông) là xã đầu tiên của tỉnh thực hiện thí điểm CĐS trên cả 03 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với mục tiêu phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động; phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh; phát triển xã hội số, thu hẹp khoảng cách, từ đó rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Mô hình này đã mang đến luồng gió mới trong nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn xã về chuyển đổi số, từng bước tạo nên mô hình xã thông minh đem lại nhiều lợi ích cho người dân địa phương.
Vi Hương - mô hình xã chuyển đổi số đầu tiên và những kết quả đáng mừng
Năm 2020, xã Vi Hương huyện Bạch Thông là một trong 7 xã trong toàn quốc được lựa chọn triển khai thí điểm chương trình chuyển đổi số, xây dựng xã thông minh. Trong 4 tháng của Giai đoạn 1, xã Vi Hương huyện Bạch Thông đã có sự tham gia đồng hành của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Kạn; UBND huyện Bạch Thông và các doanh nghiệp như: Tập đoàn công nghệ CMC, Viettel Bắc Kạn, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội (Ha Noi Telecom), Công ty cổ phần dịch vụ và giải pháp xử lý dữ liệu VBee, Viễn thông Bắc Kạn (VNPT).
Các hoạt động chuyển đổi số được triển khai tại xã gồm: Xây dựng các kênh giao tiếp, tương tác thuận tiện hơn với người dân; nâng cấp hệ thống loa truyền thanh thông minh, cài phần mềm chuyển văn bản sang âm thanh thông qua nền tảng AI; triển khai các hoạt động thương mại điện tử nhằm hỗ trợ quảng bá, tiếp thị và bán các sản phẩm của địa phương trên môi trường mạng; triển khai nền tảng kết nối thương mại điện tử AgriConnect cho các sản phẩm nông sản của xã; phần mềm bán hàng Shopone; triển khai cầu truyền hình và nền tảng hỗ trợ hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telehealth tại trạm y tế; lắp đặt trạm phát sóng di động 4G; trạm wifi công cộng tại khu vực UBND xã.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã góp phần thay đổi nhận thức, tác phong trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của lãnh đạo và công chức xã Vi Hương theo hướng năng động, hiện đại, chuyên nghiệp hơn nhưng vẫn gần dân, vì dân. Đối với người dân, nhiều người đã hiểu được thế nào là chuyển đổi số, nội dung của chuyển đổi số và những lợi ích có được từ chuyển đổi số. Từ đó có sự thay đổi và chủ động nắm bắt cơ hội do chuyển đổi số mang lại trong sản xuất cũng như sinh hoạt đời thường. Về phía doanh nghiệp, Hợp tác xã Thiên An trên địa bàn xã Vi Hương đưa thành công sản phẩm có mặt tại sàn thương mại điện tử... Việc đưa các sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử sẽ mở ra cơ hội cho hợp tác xã tập trung vào chế biến sâu sản phẩm thay vì phụ thuộc vào một thị trường như trước đây.
Thành công của giai đoạn 1 thí điểm chuyển đổi số tại xã Vi Hương đã mở ra nhiều cơ hội cho các địa phương trong tỉnh học tập và làm theo.
Với vai trò cơ quan chủ trì, dẫn dắt CĐS xã, Sở TT&TT và Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã phối hợp chỉ đạo các DN khảo sát hiện trạng hạ tầng viễn thông, CNTT; hỗ trợ xã các nguồn lực kinh phí, triển khai thí điểm các hệ thống phần mềm, nền tảng công nghệ mới, góp phần giúp xã thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Mặc dù là xã đầu tiên thực hiện mô hình CĐS, một lĩnh vực hoàn toàn mới, song với sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, sự quan tâm giúp đỡ của Bộ TT&TT, các sở, ban, ngành của tỉnh, của huyện cùng với sự vào cuộc tích cực của cả người dân và DN, bước đầu mô hình xã CĐS ở Vi Hương đã có bước chuyển mình đáng khích lệ, đạt được những kết quả đáng mừng trên cả 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Nhân rộng mô hình thí điểm chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh
Thành công của xã Vi Hương là động lực để tỉnh tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình thí điểm chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023 (mỗi huyện, thành phố lựa chọn 01 xã để thí điểm triển khai) nhằm nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo đó, từ 01/7/2023, tỉnh Bắc Kạn đã chính thức thực hiện việc chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Các nội dung triển khai tập trung vào 3 trụ cột: Xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, phát triển xã hội số.
Đối với việc xây dựng chính quyền số, các địa phương tập trung hỗ trợ, khuyến khích người dân trang bị, sử dụng điện thoại thông minh trong sử dụng DVCTT và các ứng dụng thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt; tiếp cận, đưa các sản phẩm OCOP, nông sản lên các sàn TMĐT...
Trong phát triển kinh tế số, tập trung phát triển thương mại điện tử thông qua rà soát danh mục các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của xã để xây dựng thương hiệu, triển khai dịch vụ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, làm các thủ tục pháp lý khác theo quy định đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart, …); nghiên cứu giải pháp kết nối với các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bán sản phẩm. Đào tạo các nhóm “Công dân số” (chủ yếu là các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng các thôn) biết truy cập mạng internet, sử dụng máy tính, các nền tảng số, mạng xã hội thành thạo để tìm kiếm thông tin, quảng bá các sản phẩm thương mại và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.
Đặc biệt, để theo kịp xu hướng thương mại điện tử, các địa phương sẽ hướng dẫn người dân tạo lập tài khoản mạng xã hội; đăng tải tin bài, chụp hình, xây dựng các video quảng bá sản phẩm, dịch vụ để đăng trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội. Tuyên truyền khuyến khích người dân tham gia các chương trình thương mại điện tử.
Đồng thời, triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công, bán hàng, kinh doanh, hóa đơn tiền điện, tiền nước, các dịch vụ khác. Phối hợp với các ngân hàng, các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh triển khai các hình thức thanh toán điện tử, gồm: Thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua cổng thanh toán, thanh toán bằng ví điện tử và thanh toán bằng thiết bị điện thoại thông minh cho người dân.
Phát triển xã hội số sẽ thực hiện thông qua các việc làm cụ thể như: Thiết lập kênh giao tiếp giữa chính quyền xã và người dân thông qua hệ thống tin nhắn SMS, mạng xã hội Zalo, trang thông tin điện tử, ứng dụng Công dân số để kịp thời truyền tải các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, hoạt động của chính quyền tới người dân; tiếp nhận thông tin, ý kiến phản ánh của người dân, doanh nghiệp đối với chính quyền để tăng cường sự tin tưởng, rút ngắn khoảng cách giữa chính quyền và Nhân dân trên địa bàn xã;
Đầu tư, nâng cấp hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT - viễn thông thay cho hệ thống truyền thanh truyền thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để phát bản tin tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh.
Bên cạnh đó là các giải pháp đầu tư cho giáo dục thông minh, y tế thông minh căn cứ tình hình, hiện trạng việc ứng dụng dịch vụ CNTT tại các trường học trên địa bàn từng xã để triển khai các phần mềm tuyển sinh đầu cấp; triển khai các ứng dụng: Sổ liên lạc điện tử, tin nhắn SMS… ứng dụng chữ ký số trong ký hồ sơ giáo dục. Triển khai tư vấn khám chữa bệnh từ xa trong cộng đồng (Telemedici) và ứng dụng medici để tư vấn sức khỏe cho người dân; hệ thống tư vấn, chẩn đoán khám, chữa bệnh từ xa tại trạm y tế xã (Telehealth); hồ sơ sức khỏe điện tử…
***
Kế thừa những kết quả đã đạt từ mô hình chuyển đổi số của xã Vi Hương, huyện Bạch Thông, việc triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đang được thực hiện linh hoạt, phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của từng xã, có sự thống nhất, đồng thuận tham gia của người dân, doanh nghiệp và sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện. Với sự vào cuộc đồng bộ của cấp ủy, chính quyền các cấp, việc triển khai thí điểm chuyển đổi số tại 08 xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được kỳ vọng sẽ nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân; tăng cường tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền; hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ tiện ích, thuận lợi nhất nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, an toàn, an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương./.