Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 16/11/2023 - Lượt xem: 152
Xem với cỡ chữ

Đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, doanh nghiệp

Với mục tiêu cải thiện số lượng hồ sơ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến, đồng thời, từng bước xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã chú trọng thực hiện các giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai dịch vụ công trực tuyến đến với người dân, doanh nghiệp.

Việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số. Áp dụng dịch vụ công trực tuyến sẽ giúp cơ quan nhà nước giảm thiểu được áp lực công việc, giải quyết công việc nhanh hơn, thuận tiện hơn và khoa học hơn. Tăng tính công khai, minh mạch của thủ tục hành chính; nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn và kiến thức về công nghệ thông tin của cán bộ, công chức được phân công xử lý hồ sơ thủ tục hành chính... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Những năm gần đây, UBND tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo phát triển dịch vụ quan trọng này và đã đạt được kết quả bước đầu. Đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng các giải pháp đồng bộ, thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng CCHC trong tình hình mới. Đến nay, toàn tỉnh có 996 TTHC đang cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; 1.482 TTHC tích hợp, công khai trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Bên cạnh kết quả quan trọng bước đầu, việc giải quyết TTHC trong các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số bất cập.  Tỷ lệ người dân, tổ chức đăng ký tài khoản trên hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia thấp; tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến và thanh toán trực tuyến vẫn còn hạn chế; Hệ thống chưa được đồng bộ dữ liệu với một số hệ thống của các bộ, ngành Trung ương, nên rất khó khăn cho việc quản lý, thống kê số lượng hồ sơ TTHC.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, nhằm tiếp tục đẩy mạnh việc đưa các TTHC trên môi trường mạng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Nhằm thúc đẩy tỉ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân trên địa bàn toàn tỉnh, từ tháng 6/2023, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 407/KH-UBND ngày 27/6/2023 triển khai thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”. Mục tiêu nhằm góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến (DVCTT), hướng tới hoàn thành sớm các chỉ tiêu chủ yếu phát triển Chính phủ số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn năm 2023.

Chiến dịch đề ra chỉ tiêu phấn đấu toàn tỉnh có 80% thủ tục hành chính được cung cấp dưới dạng DVCTT, trong đó 80% DVCTT được cung cấp dưới dạng DVCTT toàn trình; 100% hồ sơ phát sinh của các thủ tục hành chính đã được cung cấp DVCTT toàn trình và 50% hồ sơ phát sinh của các thủ tục hành chính đã được cung cấp DVCTT một phần được tiếp nhận trực tuyến. Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tại Bộ phận Một cửa đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ phát sinh của các TTHC (được cung cấp DVCTT toàn trình, DVCTT một phần) có quy định phí, lệ phí phải được thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia đạt 50%; hồ sơ phát sinh của các TTHC (được cung cấp DVCTT toàn trình, DVCTT một phần) có quy định phí,  lệ phí đạt 20%.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVCTT, UBND tỉnh yêu cầu rà soát lại các DVCTT thường xuyên phát sinh hồ sơ, trong đó ưu tiên 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP, có nhiều người sử dụng để thực hiện đơn giản hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện DVCTT. Đồng thời, đề xuất danh mục DVCTT đáp ứng việc cung cấp, thực hiện trên môi trường điện tử và đảm bảo các điều kiện triển khai DVCTT.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương chú trọng gia tăng tỷ lệ phát sinh DVCTT. Trong đó, tiếp tục đưa ra các giải pháp về giảm thời gian, chính sách về giảm phí, lệ phí giải quyết TTHC khi thực hiện DVCTT; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Thời gian qua, hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” để hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng DVCTT diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh đã trở thành 1 trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Là một trong những mô hình tiêu biểu thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến, mô hình “Ngày thứ Hai không giấy và không dùng tiền mặt” trong thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn được triển khai thực hiện từ ngày 05/9/2023 đến ngày 30/6/2024. Theo đó, khi tổ chức, cá nhân đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thực hiện các thủ tục hành chính áp dụng mô hình này vào ngày thứ Hai hằng tuần sẽ được công chức, viên chức các cơ quan chuyên môn làm việc tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn, đội viên Đội tình nguyện tuyên truyền, hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến Đoàn Các cơ quan tỉnh, nhân viên Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Kạn tham gia Chương trình phối hợp tại Trung tâm tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua trực tuyến thay vì nộp hồ sơ giấy trực tiếp cho công chức, viên chức và thanh toán trực tuyến đối với các thủ tục hành chính quy định có thu phí, lệ phí.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn
là nơi triển khai  thí điểm mô hình “Ngày thứ Hai không giấy và không dùng tiền mặt”

Việc triển khai thí điểm mô hình “Ngày thứ Hai không giấy và không dùng tiền mặt” nhằm giúp tổ chức, cá nhân nhận thức rõ lợi ích của dịch vụ công trực tuyến mang lại như giảm thời gian, chi phí hành chính, chi phí đi lại, phí, lệ phí… từ đó từng bước hình thành và thay đổi thói quen nộp hồ sơ từ trực tiếp sang trực tuyến, không phải đến Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh mới thực hiện được thủ tục hành chính trực tuyến.

Nhằm đẩy mạnh sử dụng DVCTT, từng bước hình thành “Công dân điện tử”, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu trong việc sử dụng DVCTT và dịch vụ bưu chính công ích (DVBCCI) khi thực hiện TTHC, không nộp hồ sơ trực tiếp khi thực hiện TTHC. Cán bộ, công chức, viên chức tiếp nhận hồ sơ TTHC tại các cơ quan, đơn vị tích cực hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đăng ký, sử dụng tài khoản trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu được lợi ích và hỗ trợ, hướng dẫn sử dụng DVCTT, DVBCCI để góp phần công khai, minh bạch thông tin, tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại cho người dân, doanh nghiệp…

***

Thực tế cho thấy, việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) thông qua dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết TTHC, giúp giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ, giảm công sức, tăng hiệu quả kinh tế. Đồng thời, giảm áp lực giấy tờ, công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, tăng tính minh bạch trong giải quyết TTHC, được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ.

Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, người dân, doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ, nhận kết quả giải quyết TTHC bất cứ thời điểm nào trong ngày, ở địa điểm có kết nối Internet. Người dân, doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn được cung cấp kịp thời, chính xác thông tin về trạng thái xử lý hồ sơ giải quyết TTHC. Nếu trước đây, muốn đăng ký thủ tục hành chính phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước nhận phiếu theo thứ tự, chờ cán bộ tiếp nhận hồ sơ. Nay với phương thức Dịch vụ công trực tuyến toàn trình, mọi việc liên quan đến thủ tục hành chính, các tổ chức, cá nhân có thể thực hiện ở nhà hay ở cơ quan, đơn vị.

Bởi vậy, bên cạnh nỗ lực của các cơ quan Nhà nước, người dân cũng cần tự chủ động trang bị cho mình những kiến thức về công nghệ số để biết cách khai thác và sử dụng dịch vụ công trực tuyến một cách nhanh chóng và tiện lợi, phục vụ nhu cầu lợi ích của chính mình và góp phần thúc đẩy dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn, đóng góp vào lộ trình chuyển đổi số quốc gia./.

Nguyễn Nga