Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 07/12/2023 - Lượt xem: 91
Xem với cỡ chữ

Xây dựng “công chức điện tử” trong chuyển đổi số

Thời gian qua, tỉnh xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, xây dựng “công chức điện tử” là một trong những động lực quan trọng nhằm hoàn thiện mô hình chính quyền số phục vụ sự nghiệp chuyển đổi số của tỉnh.

Khái niệm “công chức điện tử” trong hoạt động của các cơ quan nhà nước được xuất hiện đồng thời với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra sâu rộng hiện nay. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ trong các cơ quan nhà nước không chỉ giúp đơn giản hóa thủ tục cho cán bộ quản lý, giúp các cơ quan Nhà nước tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng hơn và nâng cao chất lượng dịch vụ công, mà còn hướng tới xây dựng “công chức điện tử”, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chất lượng phục vụ công dân.

Bắc Kạn hướng tới xây dựng “công chức điện tử”, nâng cao hiệu quảchất lượng phục vụ công dân

Trước đây, các thủ tục hành chính trong lĩnh vực công thường rườm rà, phức tạp và tốn nhiều thời gian. Cán bộ quản lý phải đối mặt với hàng loạt hồ sơ, biểu mẫu và quy trình phê duyệt. Tuy nhiên, với việc chuyển đổi số, các hồ sơ và biểu mẫu có thể được điện tử hóa, giúp cán bộ quản lý tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và thuận tiện hơn. Thêm vào đó, công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể được áp dụng để tự động hóa các quy trình phê duyệt, giảm bớt công việc thủ công và giảm nguy cơ sai sót.

Ngoài ra, chuyển đổi số cũng mang lại khả năng phân tích dữ liệu mạnh mẽ cho cán bộ quản lý. Nhờ vào việc tự động thu thập và xử lý thông tin, họ có thể nắm bắt được xu hướng và số liệu quan trọng. Điều này giúp cán bộ quản lý đưa ra quyết định chính xác và hiệu quả hơn, đồng thời định hướng cho những chính sách và dịch vụ công tốt hơn. Thông qua việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, cán bộ quản lý cũng có thể dự đoán được một số tình huống và triển khai biện pháp phòng ngừa trước khi chúng xảy ra. Việc thúc đẩy chuyển đổi số trong nội bộ các cơ quan nhà nước không chỉ giúp hình thành công chức điện tử, mà chính là giải pháp tốt nhất để xây dựng, làm sạch, làm giàu và bảo đảm tính bền vững, hiệu quả của dữ liệu.

Tại tỉnh Bắc Kạn hiện nay, việc ứng dụng CNTT đã trở thành nếp của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh trong giải quyết công việc hàng ngày. 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh, huyện đến xã triển khai ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc, sử dụng hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh; 100% cơ quan nhà nước từ tỉnh, huyện đến xã sử dụng chữ ký số... Từ tháng 01 năm 2022, tỉnh triển khai dùng thử nghiệm phần mềm Quản lý văn bản và điều hành VNPT - iOffice ở cả 3 cấp. Hệ thống đảm bảo liên thông gửi - nhận văn bản 4 cấp qua trục liên thông văn bản quốc gia. Tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử đạt 90,6%. Đến nay đã có 132 đơn vị sử dụng hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và DVCTT mức độ cao, đạt tỷ lệ 100% các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã có TTHC; năm 2022, hệ thống tiếp nhận và xử lý 129.139 hồ sơ và tính đến đầu tháng 8 năm 2023, hệ thống tiếp nhận 79.603 hồ sơ. Hệ thống thư điện tử công vụ, chữ ký số chuyên dùng, các hệ thống thông tin chuyên ngành tiếp tục được duy trì sử dụng.

Để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, một số sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã triển khai thực hiện giải quyết TTHC“không chờ” đối với một số TTHC; thực hiện trả kết quả TTHC ngay sau khi có kết quả giải quyết (sử dụng các hình thức như nhắn tin, gọi điện, chuyển bưu điện…để người dân đến nhận kết quả, không để đến hạn mới trả kết quả) khắc phục tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, lựa chọn TTHC thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết theo quy định; cải tiến việc tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh duy trì thực hiện tốt việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông qua phần mềm một cửa điện tử. Việc giải quyết TTHC được công khai, minh bạch, đặc biệt đối với các hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ theo dõi được trạng thái tiến độ giải quyết TTHC của mình. Qua đó, việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại các cơ quan cấp tỉnh, đơn vị cấp huyện, cấp xã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt trên 98%.  

Cùng với việc triển khai xây dựng chính quyền số, trên nền tảng ứng dụng CNTT trong các đơn vị nhà nước, tỉnh cũng chú trọng đào tạo và phát triển nhân lực CNTT cả về quản lý, triển khai, ứng dụng. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các đơn vị chuyên trách về CNTT tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng cập nhật, nâng cao kiến thức cho cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Nội dung các lớp đào tạo sát với thực tế, tập trung vào những công việc hàng ngày và những ứng dụng dùng chung được triển khai rộng rãi trong toàn tỉnh… Nhờ đó, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị từng bước nâng cao, góp phần khai thác và triển khai hiệu quả hệ thống chính quyền điện tử.

Nhờ thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng CNTT cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đến nay, việc ứng dụng, phát triển CNTT tại các cơ quan, đơn vị nhà nước trên địa bàn tỉnh có bước đột phá. Các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo, điều hành góp phần làm thay đổi phương pháp, thói quen làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước hình thành đội ngũ công chức điện tử làm nền tảng cho chính quyền điện tử. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả công việc, thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành tại các cơ quan, đơn vị.

Trong thời gian tới, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực số, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng CNTT và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, đào tạo, giới thiệu kiến thức cơ bản về chuyển đổi số, kỹ năng số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân, đáp ứng yêu cầu triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số./.

Nguyễn Nga