Thứ Ba, 03/12/2024
Ngày đăng: 18/12/2023 - Lượt xem: 123
Xem với cỡ chữ

Nhiều nỗ lực trong thúc đẩy phát triển kinh tế số tại Bắc Kạn

Đẩy mạnh việc ứng dụng, triển khai các giải pháp công nghệ nhằm phát triển kinh tế số… là một trong những mục tiêu được tỉnh Bắc Kạn xác định tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay.

Thời gian qua, tỉnh luôn tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế số phát triển. Trong đó chú trọng việc khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư tại địa phương; ưu tiên trên các lĩnh vực thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục... Các ngành, các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và các doanh nghiệp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số rộng rãi trong đời sống, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ.

Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh, tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử. Các tổ chức hội, đoàn thể phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hỗ trợ các hội viên tiếp cận nhanh với kinh tế số. Đó là cơ hội để các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận với các nền tảng số, dịch vụ số để từng bước tiến hành việc chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh như Bưu điện tỉnh, Bưu chính Viettel, VNPT, Viettel… đang từng bước thực hiện việc dịch chuyển từ cung cấp các dịch vụ truyền thống như bưu chính, viễn thông, internet sang cung cấp các dịch vụ mới phục vụ CĐS như cung cấp các phần mềm, nền tảng số, dịch vụ số... nhằm đưa công nghệ số làm thay đổi mô hình kinh doanh, quản trị và thúc đẩy kinh tế số. Hiện tại các công ty công nghệ, viễn thông đang xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm thúc đẩy phát triển KTS toàn diện trên các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp, thương mại... với các sản phẩm: Hóa đơn điện tử, vé điện tử, hợp đồng điện tử…

Lĩnh vực kinh tế số đạt những kết quả đáng mừng khi hầu hết các đơn vị cung cấp dịch vụ điện nước, viễn thông và truyền thông chấp nhận thanh toán phí dịch vụ qua phương tiện điện tử. Một số các siêu thị, trung tâm mua sắm và cơ sở phân phối hiện đại có sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Phần lớn người tiêu dùng đã hướng đến hình thức mua sắm trực tuyến thông qua các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng thương mại điện tử bán hàng và các website thương mại điện tử bán hàng. Các phương thức thanh toán trong thương mại điện tử khá đa dạng và tiện dụng cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng như COD, thanh toán qua thẻ, thanh toán điện tử (cổng thanh toán, ví điện tử, tổ chức thanh toán trung gian) đã tạo điều kiện cho TMĐT phát triển mạnh trong thời gian qua.

Siêu thị BK Mart sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh đã chủ động tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử để trao đổi, mua bán và xây dựng website để quảng bá thương hiệu, sản phẩm, trong đó: 100% các doanh nghiệp đã có giao dịch TMĐT, 80% doanh nghiệp sử dụng thường xuyên thư điện tử trong hoạt động sản xuất kinh doanh; 50% có trang thông tin điện tử, cập nhật thường xuyên thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp; 40% tham gia các trang thông tin điện tử để mua bán các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; 30% ứng dụng các phần mềm chuyên dụng trong hoạt động quản lý sản xuất và kinh doanh...

Các hoạt động thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục được duy trì và thúc đẩy. Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã triển khai đồng bộ, phát triển các sản phẩm thanh toán mới với công nghệ ngân hàng số, công nghệ định danh và nhận biết khách hàng điện tử (eKYC) như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán trên nền mã phản hồi nhanh (QR Code), mã hóa thông tin thẻ, thanh toán phi tiếp xúc... Trên địa bàn tỉnh có 36 máy ATM, 75 thiết bị POS được lắp đặt tại thành phố Bắc Kạn và khu vực trung tâm các huyện, trong đó có 01 máy giao dịch tự động CDM (Cash Deposit Machine) của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép khách hàng gửi tiền trực tuyến, rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn.

Năm 2023, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã phối hợp triển khai thí điểm mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt tại một số chợ trên địa bàn thành phố Bắc Kạn, Chợ thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới), chợ đầu mối và chợ Côn Minh (huyện Na Rì), chợ Phủ Thông (huyện Bạch Thông)... Qua đó giúp tạo thói quen tiêu dùng thanh toán số cho người dân tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Cơ quan Thuế triển khai đến các đơn vị liên quan thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc đối tượng áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền các nội dung trọng tâm liên quan đến chính sách pháp luật thuế về hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế; thực hiện rà soát lại danh sách doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc địa bàn quản lý có thể triển khai HĐĐT từ máy tính tiền trên cơ sở danh sách các đơn vị đã báo cáo Cục Thuế.

 Kinh tế số đang phát huy vai trò, đóng góp tích cực vào nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Kế hoạch triển khai Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (ban hành tại Quyết định số 1973/QĐ-UBND ngày 27/10/2023 của UBND tỉnh) đề ra mục tiêu phấn đấu kinh tế số chiếm từ 15% - 20% GRDP của tỉnh; Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; Phấn đấu năng suất lao động hằng năm tăng tối thiểu 7%; Tỷ lệ hộ gia đình có cửa hàng số cho người mua và người bán giao dịch trên nền tảng thương mại điện tử đạt trên 50%...

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra, tỉnh tiếp tục đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách của tỉnh đối với từng ngành, lĩnh vực phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Trong đó chú trọng xây dựng các chính sách để nâng tỷ lệ hoạt động trực tuyến chiếm tối thiểu 50% các hoạt động trong mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức, ngành, lĩnh vực.  Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, HTX về phát triển doanh nghiệp công nghệ số; khảo sát, thu thập các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số và các nền tảng số phục vụ nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp từ đó hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng các nền tảng số. Xây dựng chính sách/chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số; xây dựng các tài liệu đào tạo, hướng dẫn chuyển đổi số; triển khai các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng số, chuyển đổi số cho doanh nghiệp, HTX…

Nguyễn Nga