Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 19/12/2023 - Lượt xem: 30
Xem với cỡ chữ

Xây dựng chính quyền số: Nỗ lực CCHC, cắt giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp

Nỗ lực cắt giảm chi phí thời gian, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, gia nhập thị trường… là những mục tiêu tỉnh quan tâm thực hiện trong lộ trình xây dựng chính quyền số, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Chi phí thời gian và chi phí không chính thức là hai trong 10 chỉ số thành phần của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đây là những yếu tố quan trọng, được quan tâm hàng đầu khi đánh giá Chỉ số PCI. Nhà đầu tư, doanh nghiệp luôn mong muốn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC), thanh, kiểm tra nhanh, hiệu quả, hưởng lợi. Chỉ số chi phí không chính thức được sử dụng để đo lường các khoản chi phí mà doanh nghiệp (DN) phải bỏ ra để chi trả các khoản phí không liên quan đến sản xuất, đầu tư, tiền phạt và các khoản phí bất thường khác trong điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường. Chỉ số này được các doanh nghiệp đánh giá gắt gao khi cân nhắc lựa chọn địa điểm đầu tư nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.

Trong xu thế phát triển hiện nay, vai trò của cộng đồng doanh nghiệp đối với quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương, vừa giải quyết việc làm, vừa nộp ngân sách, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế là rất quan trọng. Vì thế, việc giảm thiểu chi phí thời gian, chi phí không chính thức trong Bộ Chỉ số PCI nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp được các sở, ngành, địa phương thường xuyên triển khai thực hiện.

Trong nỗ lực cắt giảm“Chi phí thời gian”“Chi phí không chính thức”, hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch rà soát, đánh giá TTHC. Các đơn vị, địa phương thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC để kiến nghị cấp có thẩm quyền loại bỏ các TTHC còn rườm rà, chồng chéo, gây khó khăn cho người dân, tổ chức. Từ năm 2021 đến năm 2023, tỉnh đã thực hiện rà soát 280 TTHC, qua rà soát có 225 kiến nghị thiết thực, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của kế hoạch. Đối với các TTHC có kiến nghị giảm thời gian giải quyết đều được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt và áp dụng thời gian thực hiện mới (thời gian đã cắt giảm) để rút ngắn thời gian giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Việc thực hiện Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025 của Chính phủ và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được quan tâm chỉ đạo. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên rà soát các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong các văn bản của bộ, ngành Trung ương. Qua đó, kịp thời phản ánh, kiến nghị với các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền về những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh; nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với các phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh khi các bộ, ngành Trung ương gửi lấy ý kiến; triển khai thực hiện rà soát, đề xuất phương án cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh đảm bảo tỷ lệ theo quy định.

UBND tỉnh ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 -2025 trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15/9/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành quyết định về công bố TTHC nội bộ trên địa bàn tỉnh với 48 TTHC cấp tỉnh và 11 TTHC cấp huyện; đối với số lượng TTHC nội bộ đã được phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa và số lượng TTHC nội bộ đã thực thi phương án cắt giảm, đơn giản hóa, hiện nay các cơ quan, đơn vị đang tổ chức triển khai thực hiện theo lộ trình quy định.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh duy trì thực hiện tốt việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông qua phần mềm một cửa điện tử. Việc giải quyết TTHC được công khai, minh bạch, đặc biệt đối với các hồ sơ giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ theo dõi được trạng thái tiến độ giải quyết TTHC của mình. Năng lực chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ công chức, viên chức giải quyết hồ sơ TTHC và công chức tiếp nhận, trả kết quả cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Qua đó, việc giải quyết hồ sơ TTHC cho người dân, doanh nghiệp tại các cơ quan cấp tỉnh, đơn vị cấp huyện, cấp xã có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ hồ sơ TTHC tiếp nhận được giải quyết đúng hạn đạt trên 98%.  

Để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC, một số sở, ngành và UBND cấp huyện, cấp xã đã triển khai thực hiện giải quyết TTHC“không chờ” đối với một số TTHC; thực hiện trả kết quả TTHC ngay sau khi có kết quả giải quyết (sử dụng các hình thức như nhắn tin, gọi điện, chuyển bưu điện…để người dân đến nhận kết quả, không để đến hạn mới trả kết quả) khắc phục tình trạng người dân phải đi lại nhiều lần. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố rà soát, lựa chọn TTHC thuộc thẩm quyền quản lý và giải quyết theo quy định; cải tiến việc tiếp nhận, hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC tại Bộ phận Một cửa các cấp.

Đồng thời, để cải thiện chỉ số“Tiếp cận đất đai”, cắt giảm“Chi phí thời gian”“Chi phí không chính thức”, các sở, ngành, địa phương thực hiện công khai, minh bạch thông tin, nâng cao hiệu quả cung cấp thông tin cho doanh nghiệp với đa dạng các kênh, tài liệu tiếp cận (bằng văn bản; thông qua các trang/cổng thông tin điện tử…). Hệ thống Một cửa điện tử của tỉnh kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư, tạo thuận lợi cho công chức Bộ phận Một cửa thực hiện việc tra cứu, khai thác thông tin công dân trực tuyến trên CSDL quốc gia trong quá trình thực hiện TTHC, giúp doanh nghiệp đơn giản hóa thành phần hồ sơ.

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) mức độ cao trong giải quyết TTHC được chú trọng. UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn”; chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC phát sinh qua DVCTT và thanh toán trực tuyến góp phần giảm chi phí, đem lại sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Triển khai thực hiện rà soát, đánh giá tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp DVCTT; thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định của Chính phủ.

Các ngân hàng thương mại áp dụng quy trình cho vay đơn giản,
chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng
 
(ảnh: giao dịch tại BIDV Bắc Kạn)

Các chính sách tín dụng ngân hàng được thực hiện tốt. Thông qua hoạt động thông tin tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh khai thác, sử dụng thông tin, số liệu hỗ trợ công tác thanh tra, giám sát hiệu quả hơn, kịp thời cảnh báo đến các chi nhánh tổ chức tín dụng (TCTD) những khách hàng đang có dư nợ tại nhiều TCTD, tiềm ẩn rủi ro. Các chi nhánh TCTD đã tích cực sử dụng thông tin tín dụng để làm căn cứ đánh giá khả năng tài chính, đánh giá rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng đối với khách hàng. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo các chi nhánh TCTD tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp; áp dụng quy trình cho vay đơn giản, chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong tiếp cận vốn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật, nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay.

Thời gian qua, tỉnh chú trọng quán triệt, tuyên truyền, giáo dục, kiểm tra nhằm chuẩn hóa thái độ, trình độ, nhận thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết TTHC ở các cấp, ngành, đáp ứng nhu cầu công việc trong việc tiếp nhận, hướng dẫn và xử lý hồ sơ. Các đơn vị, địa phương thực hiện tốt việc công khai, xin lỗi cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC theo quy định về trách nhiệm công khai xin lỗi trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Một cửa cấp huyện, cấp xã thường xuyên lấy ý kiến đánh giá của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thông qua phiếu đánh giá việc giải quyết TTHC theo quy định.

Với cách làm này, chất lượng phục vụ được người dân, DN đánh giá cao. Những kết quả trên đã góp phần cải thiện chỉ số “Chi phí thời gian” (năm 2021 đạt 7,61 điểm; năm 2022 đạt 7,97 điểm) và chỉ số “Chi phí không chính thức” (năm 2021 đạt 7,14 điểm; năm 2022 đạt 7,24 điểm) của tỉnh hai năm qua. Những nỗ lực, cam kết của chính quyền địa phương trong việc cắt giảm các chi phí không chính thức cũng như tạo ra sân chơi bình đẳng cho các khu vực kinh tế là bước đi đúng đắn và hiệu quả góp phần từng bước nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng như các sở, ngành, địa phương./.

Nguyễn Nga