Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 09/01/2024 - Lượt xem: 199
Xem với cỡ chữ

Ban hành Khung kiến trúc chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới chính phủ số

Ngày 29/12/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số (Quyết định 2568/QĐ-BTTTT ngày 29/12/2023).

Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số là căn cứ để các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh, phiên bản 3.0, hướng tới Chính quyền số.

 

Sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam

Việc hình thành và triển khai áp dụng hiệu quả, chặt chẽ, đồng bộ Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh, phiên bản 3.0 nhằm tăng cường khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu, dùng chung các tài nguyên công nghệ thông tin trong mỗi cơ quan nhà nước và giữa cơ quan nhà nước với các cơ quan, tổ chức khác trên phạm vi toàn quốc; hướng tới tiết kiệm chi phí, thời gian trong hoạt động nội bộ của cơ quan nhà nước, cung cấp hiệu quả các dịch vụ tích hợp cho người dân và doanh nghiệp, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm.

Đồng thời tăng cường khả năng giám sát, đánh giá đầu tư công nghệ thông tin; hướng tới triển khai Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đồng bộ, lộ trình phù hợp, hạn chế trùng lặp. Tăng cường khả năng chuẩn hóa, bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Từ thực tiễn triển khai xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số đã nghiên cứu xây dựng và cập nhật, bổ sung một số nội dung mới so với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0 đã được ban hành, trong đó cập nhật sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử và mô tả các thành phần; cập nhật các mô hình tham chiếu.

Trong đó, Sơ đồ khái quát Chính phủ điện tử Việt Nam cung cấp bức tranh tổng thể về các thành phần chính trong CPĐTViệt Nam. Đây cũng là cơ sở để xây dựng, triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương đồng bộ, hiệu quả, kết nối.

Theo đó, kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam gồm có 19 thành phần chính: Người sử dụng; Kênh giao tiếp; Hạ tầng Kỹ thuật - Công nghệ; An toàn thông tin mạng, an ninh mạng; Chỉ đạo, chính sách; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh; Cổng Dịch vụ công quốc gia; Hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng tham vấn và tra cứu quy định kinh doanh; Trung tâm tích hợp dữ liệu phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số; Hệ thống danh mục điện tử dùng chung; Hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử; Hệ thống SOC Quốc gia (Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia); Các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin quốc gia; Các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin khác.

Căn cứ Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, cập nhật và ban hành Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh phù hợp với Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số…/.

Thu Hiền