Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 11/01/2024 - Lượt xem: 302
Xem với cỡ chữ

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Kạn: Xây nền tảng cho chính quyền số

Với chức năng chính là đồng bộ hoá cơ sở dữ liệu (CSDL) ở tất cả các sở, ban, ngành, địa phương thuộc tỉnh về một mối nhằm phục vụ cải cách hành chính, thời gian qua, Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh (Data Center) đã phát huy hiệu quả hoạt động, đưa Bắc Kạn tiến gần tới các mục tiêu của chính quyền số.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu (THDL) tỉnh do Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông (thuộc Sở Thông tin và Truyền thông) quản lý, vận hành. Đây là nơi tích hợp hệ thống chuyên dụng, bao gồm cả phần cứng (các hệ thống máy chủ, các hệ thống sao lưu khôi phục dữ liệu, hệ thống lưu nguồn điện dự phòng) và các chương trình phần mềm.

Trung tâm THDL tỉnh đóng vai trò là nền tảng giúp hình thành CSDL tập trung thống nhất phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo tỉnh nhanh chóng, chính xác, kịp thời. Trung tâm cũng là nơi cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu và các ứng dụng đảm bảo tốc độ, tính an toàn trong việc trao đổi thông tin của các đơn vị, địa phương trên địa bàn.

Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh được thiết kế theo kiến trúc phân lớp bảo mật và sử dụng các công nghệ hiện đại như: VLAN, ảo hóa, cân bằng tải các kết nối Internet… Hệ thống máy chủ ảo hóa của Trung tâm dữ liệu gồm 5 máy chủ vật lý cung cấp tài nguyên cho trên 100 máy chủ ảo hóa chạy song hành được quản lý tập trung, đáp ứng tốt hoạt động của các hệ thống dịch vụ và có thể tạo thêm các máy chủ ảo hóa để triển khai các hệ thống dịch vụ.

Lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật của Trung tâm CNTT&TT
kiểm tra vận hành Trung tâm tích hợp dữ liệu (ảnh tư liệu)

Các hệ thống ứng dụng đang quản trị, vận hành tại Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh:  Hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh và Trang TTĐT của các cơ quan, đơn vị (tổng số 33 website). Hệ thống một cửa, 1 cửa liên thông và dịch vụ công mức độ cao được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, thiết lập dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho từng thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của mỗi đơn vị nhằm phục vụ người dân trong các giao dịch hành chính. Trong năm 2023, hệ thống cổng dịch vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn cung cấp thông tin đầy đủ cho các TTHC, DVCTT của tỉnh với gần 1.800 thủ tục hành chính, trong đó dịch vụ công toàn trình là 1.117, DVCTT một phần là 269 dịch vụ.Hệ thống thư điện tử công vụ với hơn 8000 tài khoản người dùng. Hệ thống quản lý thông tin cán bộ duy trì với tổng số 146 cơ quan, đơn vị nhằm theo dõi quá trình biến đổi thông tin của từng đơn vị và của mỗi cán bộ, công chức, viên chức từ khi hình thành, phát triển của đơn vị và trong quá trình công tác từ khi bắt đầu vào cơ quan cho đến nghỉ hưu. Hệ thống quản lý hồ sơ lưu trữ triển khai tại các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện phục vụ việc quản lý hồ sơ lưu trữ tại từng đơn vị…

         Trung tâm tích hợp dữ liệu là cơ sở hạ tầng quan trọng, đảm bảo cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai các phần mềm dùng chung, các hệ thống thông tin, hệ thống điều hành tác nghiệp của lãnh đạo thông suốt từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố đến xã, phường.  Với tầm quan trọng đó, Trung tâm CNTT&TT đã bố trí viên chức chuyên ngành công nghệ thông tin trực hỗ trợ  các cơ quan, đơn vị khai thác các ứng dụng dùng chung; quản trị vận hành đảm bảo  các hệ thống hoạt động ổn định, thông suốt, liên tục; bảo đảm an toàn và bảo mật thông tin; quản lý quyền truy cập của các cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm THDL tỉnh, Trung tâm CNTT&TT đặc biệt quan tâm, chú trọng công tác nghiên cứu phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nguồn nhân lực, đào tạo nội bộ, đào tạo từ bên ngoài thông qua các chuyên gia, các dịch vụ đào tạo của các nhà bản quyền, nhà cung cấp thiết bị… Qua đó, tạo điều kiện và thúc đẩy đội ngũ cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin phát huy năng lực, tính sáng tạo để có thể đảm nhiệm tốt các công việc được giao trong việc quản trị, vận hành Trung tâm THDL, đảm bảo ngày càng ổn định và thông suốt, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách hành chính, xây dựng hiệu quả mô hình chính quyền điện tử trên địa bàn tỉnh.

Theo lộ trình giai toàn tiếp theo, TTTHDL mới của tỉnh cần được đặt gần các cơ quan chính quyền cũng như các nhà cung cấp dịch vụ điện lực, viễn thông; nằm trong khu vực giao thông thuận lợi cho việc phòng tránh các thảm hoạ thiên nhiên và phòng chống cháy nổ; có diện tích mặt bằng đủ rộng để bố trí các phòng chức năng. 

Yêu cầu kỹ thuật đối với hạ tầng của TTTHDL là có kết nối đến các nhà cung cấp viễn thông khác nhau, đảm bảo các kết nối WAN và Internet với chất lượng ổn định, băng thông đáp ứng yêu cầu. Trung tâm phải được thiết kế đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và cần có hệ thống sàn nâng, máng cáp theo tiêu chuẩn; hệ thống UPS công suất lớn, hoạt động theo chế độ online, được thiết kế theo tiêu chuẩn N+1, đảm bảo hệ thống luôn vận hành liên tục, ổn định không bị ngắt quãng; hệ thống giám sát hoạt động và hệ thống cảnh báo cháy nổ, rò rỉ nước; hệ thống camera giám sát, hệ thống an toàn bảo mật…

Về hạ tầng mạng và bảo mật, TTTHDL mới của tỉnh phải có hạ tầng mạng và hệ thống bảo mật hiện đại và đồng bộ, được thiết kế theo kiến trúc mới nhất cho trung tâm dữ liệu. Thiết bị của TTTHDL phải đảm bảo độ sẵn sàng và hiệu năng cao cũng như khả năng mở rộng trong tương lai. Hệ thống bảo mật cần được thiết kế nhiều lớp, sử dụng nhiều công nghệ từ các hãng khác nhau và có thể chống lại các hình thức tấn công. Các thiết bị mạng cung cấp hỗ trợ giao thức TCP/IP và các kết nối tốc độ cao đến 10/25Gbps; Hệ thống quản trị, giám sát mạng và bảo mật của TTTHDL phải cung cấp khả năng giám sát hoạt động của toàn bộ hệ thống thiết bị mạng, bảo mật, nhận biết các sự cố cũng như khả năng phản ứng xử lý sự cố nhanh chóng..

Với sự quan tâm chỉ đạo, đồng hành của Bộ Thông tin và Truyền thông, sự quyết tâm của tỉnh là yếu tố quyết định sự thành công về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân miền núi.  Trong thời gian tới, Trung tâm tích hợp dữ liệu sẽ được từng bước đầu tư, nâng cấp để xứng tầm với vị trí vai trò quan trọng của mình trong tiến trình chuyển đổi số, là “bộ não số” của tỉnh./.

Nguyễn Nga