Thứ Ba, 03/12/2024
Ngày đăng: 29/02/2024 - Lượt xem: 145
Xem với cỡ chữ

Thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt

Tỉnh Bắc Kạn đang khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước. Đây là hoạt động nhằm từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính trong chi trả chính sách trợ giúp xã hội đối với người dân, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí.

Ngày 25/11/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị số 21/CT-TTg về thúc đẩy chuyển đổi số trong chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Chỉ thị được ban hành nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước, tổ chức thực hiện các chính sách xã hội, tạo điều kiện để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội một cách thuận lợi, đặc biệt là chi trả không dùng tiền mặt. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực, khẩn trương thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách an sinh xã hội, chi trả không dùng tiền mặt với người lao động, các đối tượng được hưởng trợ cấp từ ngân sách nhà nước.

Kế hoạch triển khai thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi, trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn được UBND tỉnh ban hành ngày 23/5/2023 (Kế hoạch số 324/KH-UBND) nhằm đẩy mạnh chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho đối tượng theo phương thức hiện đại, tiện lợi, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ chi trả hiện đại; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong việc chi trả trợ cấp, tạo điều kiện, giúp người dân tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi; từng bước cải cách thủ tục hành chính trong chi trả trợ cấp, bảo đảm chi trả kịp thời, nhanh chóng, công khai, minh bạch và tiết kiệm chi phí; nâng cao năng lực cho cán bộ, sự hiểu biết của người dân về chuyển đổi số trong việc chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt.

Theo đó,  UBND xã, phường, thị trấn (UBND cấp xã) triển khai đến đối tượng đăng ký hình thức nhận trợ cấp không dùng tiền mặt và tổng hợp danh sách đăng ký. Đơn vị chi trả phối hợp với UBND cấp xã tổ chức cho đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đăng ký thông tin cá nhân (số điện thoại, căn cước công dân…) để mở tài khoản. UBND cấp xã chỉ đạo công chức phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp Công an cấp xã thu thập, cập nhật thông tin về tài khoản của đối tượng; Công an cấp xã xác thực thông tin trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Việc thu thập, cập nhật, xác thực thông tin về tài khoản của các đối tượng được thực hiện thường xuyên hàng tháng trước mỗi kỳ chi trả.

Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân thực hiện thu thập,
cập nhật thông tin tài khoản hỗ trợ chi trả không dùng tiền mặt
(nguồn ảnh: Cổng TTĐT Thành phố Bắc Kạn)

Thành phố Bắc Kạn là địa phương thực hiện điểm việc triển khai chi trả trợ cấp ưu đãi, trợ giúp xã hội không dùng tiền mặt cho người có công với cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng. Bước đầu đã nhận được sự đồng thuận ủng hộ của người dân. Vào ngày 20  và 21 hằng tháng, thành phố Bắc Kạn chi trả cho hơn 2.000 đối tượng hưởng bảo trợ xã hội và người có công với tổng số tiền khoảng 2 tỷ 100 triệu đồng. Việc triển khai chi trả tiền trợ cấp cho các đối tượng này bằng hình thức thanh toán qua thẻ ngân hàng tạo điều kiện, giúp người dân tiếp cận dịch vụ một cách thuận lợi nhất, được người dân đồng tình hưởng ứng.

Để triển khai nhân rộng trên địa bàn tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các huyện, thành phố thực hiện rà soát, bổ sung và chuẩn hóa dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội toàn tỉnh, hoàn thành cập nhật và chuẩn hóa danh sách đối tượng đang hưởng chính sách, cập nhật dữ liệu đối tượng vào hệ thống phần mềm. Lực lượng Công an tại địa phương phối hợp rà soát, làm sạch dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội, đối tượng người có công với cách mạng để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trên cơ sở đó làm nguồn phục vụ công tác chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt đến các đối tượng hưởng chính sách.

Tính đến ngày 15/02/2024, trên địa bàn toàn tỉnh có 20.824 đối tượng an sinh xã hội (trong đó, đã rà soát: 19.616/20.824 đối tượng, đạt 94,2%; đã có tài khoản: 559/20.824 đối tượng, đạt 2,69%; Số đối tượng được chi trả qua tài khoản: 249/559 đối tượng, đạt 44,5%, với tổng số tiền chi trả là: 520.001.000đ).

Thực hiện chi trả chế độ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thất nghiệp, lương hưu… qua tài khoản cá nhân tại khu vực đô thị theo hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, UBND tỉnh chỉ đạo BHXH tỉnh Bắc Kạn triển khai phương thức chi trả qua tài khoản cá nhân; giao chỉ tiêu thực hiện đến các đơn vị trực thuộc; chú trọng tuyên truyền, vận động người hưởng thực hiện phương thức nhận lương hưu và trợ cấp BHXH qua tài khoản thẻ ATM. Kết quả thực hiện chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân: 3.094/11.066 trường hợp (đạt tỷ lệ 27,96%); 73/82 trường hợp hưởng chế độ BHXH một lần (đạt tỷ lệ 89%) và tỷ lệ người hưởng trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân đạt 100%. Tuyên truyền, vận động người tham gia BHXH, BHYT cài đặt, sử dụng ứng dụng BHXH số VssID trên địa bàn tỉnh, đến nay đạt 68.285 người dân đăng ký, sử dụng VssID.

Việc thực hiện chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt giúp các trường hợp thuộc diện được hưởng trợ cấp đúng thời gian, phương thức thanh toán đa dạng, không mất chi phí quản lý… Việc chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt cũng đảm bảo an ninh, an toàn và hiệu quả hoạt động của các hệ thống thanh quyết toán, các dịch vụ, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; tránh tình trạng mất cắp, giảm chi phí in ấn và vận chuyển tiền mặt; sử dụng các phương thức thanh toán điện tử cũng giúp tăng tính minh bạch và hiệu quả trong việc quản lý chi trả của Nhà nước; khẳng định quyền an sinh của người dân với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước, minh bạch hóa các hoạt động thanh toán và thu nhập cá nhân, bảo đảm chi trả đúng đối tượng, góp phần vào công tác phòng, chống tham những và tội phạm kinh tế trên địa bàn Thành phố.

Tuy nhiên, với những điều kiện vốn có - cả về nhân lực lẫn vật lực tại tỉnh, việc bao phủ thanh toán không dùng tiền mặt đối với người hưởng trợ cấp vẫn còn gặp nhiều rào cản. Bởi lẽ, đa số người có công, thân nhân người có công tuổi cao, không có tài khoản ngân hàng cá nhân, không biết sử dụng điện thoại thông minh khi giao dịch ngân hàng, gây khó khăn trong việc đi lại, rút tiền hoặc thực hiện các thủ tục liên quan. Bên cạnh việc hầu hết các đối tượng thuộc nhóm này là người cao tuổi, người khuyết tật, những người yếu thế trong xã hội,… thì đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng khó khăn cũng gặp nhiều trở ngại trong việc tiếp cận.

Để sớm hoàn thành mục tiêu chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt cho người dân, cần có giải pháp chi trả và hỗ trợ thuận tiện nhất, giúp các đối tượng chi trả an sinh xã hội dễ dàng hơn trong quá trình nhận tiền, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt của người dân./.

Nguyễn Nga