Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 29/02/2024 - Lượt xem: 93
Xem với cỡ chữ

Kết nối, chia sẻ dữ liệu: Nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp

Tính đến hết năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã kết nối 14/23 hệ thống qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Qua thống kê rà soát, hiện nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang khai thác sử dụng 95 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL khác nhau để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết TTHC, hỗ trợ nghiệp vụ... Trong đó, có 45 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL do các Bộ, ngành Trung ương triển khai, 40 hệ thống do tỉnh đầu tư triển khai và 10 hệ thống đang được các đơn vị dùng thử.

Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, đã xác định rõ quan điểm phát triển dữ liệu trong Chính phủ số, đó là: “Dữ liệu là tài nguyên mới. Cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở phục vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Các cơ quan nhà nước kết nối, chia sẻ dữ liệu để người dân chỉ phải khai báo, cung cấp dữ liệu một lần cho các cơ quan nhà nước và các đơn vị cung ứng dịch vụ công thiết yếu”.

Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, đặc biệt là dữ liệu từ các Cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp theo hướng lấy người dùng làm trung tâm, người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp thông tin thủ công, nhiều lần cho cơ quan nhà nước, đơn vị cung cấp dịch vụ; tránh đầu tư trùng lặp, gây lãng phí.

Theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP và Khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, việc kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương trên quy mô quốc gia phải thông qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng, đưa Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP - National Data Exchange Platform) vào sử dụng, phục vụ việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương.

 NDXP là hạ tầng kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp quốc gia, bao gồm hạ tầng kỹ thuật, phần cứng, phần mềm và hoạt động nghiệp vụ hỗ trợ đóng vai trò phục vụ tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước với các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thuộc khu vực tư (theo nhu cầu). Vai trò của NDXP như là “Xương sống” phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu trên quy mô quốc gia. Các thành phần chính của NDXP bao gồm: Nền tảng kết nối, tích hợp dịch vụ, quy trình, dữ liệu (kế thừa và phát triển từ NGSP nhằm đáp ứng các nhu cầu kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu theo mô hình tập trung); nền tảng chia sẻ dữ liệu phân tán nhằm đáp ứng các nhu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương theo mô hình phân tán; hệ thống quản lý vận hành NDXP.

 Bắc Kạn: Kết nối 14/23 hệ thống qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP)

Về kết nối với Trung ương, tính đến hết năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã kết nối 14/23 hệ thống qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP).  

Về kết nối dữ liệu các hệ thống trên địa bàn tỉnh,  tính đến hết năm 2023, tỉnh Bắc Kạn đã kết nối 14/23 hệ thống qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP). Tỉnh đang tiếp tục duy trì sử dụng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ từ năm 2019. Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối thành công đến 12 hệ thống thông tin, 7 cơ sở dữ liệu quốc gia và của các Bộ, ngành triển khai trên NDXP phục vụ cho giải quyết thủ tục hành chính.

 Các ngành chức năng tham mưu UBND tỉnh xây dựng và đang khai thác sử dụng 13 cơ sở dữ liệu (CSDL về giá, tài liệu, CBCCVCNLĐ, đất đai, môi trường, ngành giáo dục, giấy phép lái xe, tài nguyên môi trường, hồ sơ sức khỏe điện tử, công chứng, quy hoạch, xây dựng, tiền lương), đồng thời đang triển khai xây dựng 12 CSDL của các ngành (CSDL kinh tế - xã hội, dân tộc, bệnh án điện tử, CSDL ngành y tế, ngành công thương, giáo dục đào tạo nghề, hồ sơ giải quyết TTHC, khoa học và công nghệ, Kho dữ liệu dùng chung, CSDL đất đai tại huyện Bạch Thông và Chợ Mới, CSDL ngành lao động, thương binh và xã hội giai đoạn 1, CSDL phát triển du lịch), và dự kiến hoàn thành 05 CSDL (CSDL dân tộc, ngành công thương, giáo dục đào tạo nghề, hồ sơ giải quyết TTHC, khoa học và công nghệ).

Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến phát huy hiệu quả trong việc
hỗ trợ hoạt động chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp được nhanh chóng, thuận tiện
Qua thống kê rà soát, hiện nay các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đang khai thác sử dụng 95 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL khác nhau để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành, giải quyết TTHC, hỗ trợ nghiệp vụ... Trong đó, có 45 hệ thống thông tin, phần mềm, CSDL do các Bộ, ngành Trung ương triển khai, 40 hệ thống do tỉnh đầu tư triển khai và 10 hệ thống đang được các đơn vị dùng thử.

Các hệ thống dùng chung của tỉnh đều được phê duyệt hồ sơ cấp độ an toàn thông tin cấp độ 3 theo quy định tại Nghị định số 85/2016/NĐ-CP. Trung tâm tích hợp dữ liệu của tỉnh được triển khai đầy đủ các giải pháp đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Triển khai giải pháp hệ thống giám sát mã độc tập trung kết nối chia sẻ dữ liệu mã độc về Cục an toàn thông tin theo quy định. Tổ chức kiểm tra, đánh giá định kỳ về an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh.

Việc tạo lập, kết nối, chia sẻ, mở dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam trên cả ba trụ cột Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Đây cũng là một trong các nội dung chính được sử dụng để đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương hằng năm./.

Nguyễn Nga