Thứ Hai, 07/10/2024
Ngày đăng: 16/03/2024 - Lượt xem: 66
Xem với cỡ chữ

Giao ban công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và đề án 06

Chiều 15/3, UBND tỉnh Bắc Kạn tổ chức Hội nghị giao ban công tác chuyển đổi số, cải cách hành chính, Đề án 06. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Hưng đồng chủ trì Hội nghị. Hội nghị tập trung đánh giá kết quả triển khai công tác cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 trong thời gian qua.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình phát biểu tại Hội nghị

  Báo cáo kết quả chuyển đổi số tháng 3/2024 do lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông trình bày cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định trong mỗi lĩnh vực. Cụ thể, về hạ tầng số, toàn tỉnh hiện còn 42 thôn, bản chưa phủ sóng thông tin di động; việc bố trí kinh phí dành cho đầu tư, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin còn hạn chế, quy mô triển khai còn nhỏ lẻ. Về nhân lực số, nguồn nhân lực phụ trách Chuyển đổi số tại một số cơ quan cấp huyện, cấp xã còn thiếu và yếu. Về nền tảng, dữ liệu số, đến nay tỉnh chưa hoàn thành việc xây dựng riêng Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), do đó, chưa thúc đẩy được việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, CSDL do tỉnh triển khai xây dựng. Còn 07 dịch vụ đã được các bộ ngành cung cấp trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) nhưng tỉnh chưa thực hiện kết nối đến Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh.

Trong phát triển chính phủ số, việc kết nối, chia sẻ và đưa vào khai thác sử dụng các dịch vụ chia sẻ dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin có phạm vi từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa khai thác sử dụng một cách đồng bộ, hiệu quả. Các hệ thống thông tin, CSDL của tỉnh cũng chưa được kết nối với nhau nhằm tạo thuận lợi cho người dùng trong việc chia sẻ, sử dụng lại thông tin, giảm bớt thao tác cho cán bộ, công chức, viên chức. Tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến qua cổng DVCQG còn thấp so với tỷ lệ trung bình của cả nước.

Trong phát triển kinh tế số, xã hội số, kỹ năng số của người dân, nhất là người dân sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa còn hạn chế; số lượng người dùng các nền tảng số phục vụ đào tạo, học tập trực tuyến còn thấp; người dân chưa thực sự quan tâm đến việc tự đảm bảo an toàn thông tin trên môi trường mạng. Hoạt động của Tổ Công nghệ số cộng đồng cấp xã, thôn chưa hiệu quả. Hoạt động kinh tế số của tỉnh chưa đa dạng.

          Theo báo cáo của Sở Nội vụ về kết quả xếp hạng, phân loại chỉ số cải cách hành chính năm 2023, đối với cấp sở, ngành có 19 đơn vị đạt loại tốt; cấp huyện có 5 địa phương đạt loại tốt, 3 địa phương đạt loại khá. Cụ thể, đứng đầu khối sở ban ngành cấp tỉnh lần lượt là Sở Giao thông - Vận tải (95,476 điểm, xếp thứ nhất), Sở Kế hoạch và Đầu tư (95,469 điểm, xếp thứ hai) và Thanh tra tỉnh (93,693 điểm, xếp thứ ba). Khối UBND cấp huyện, thành phố, đứng đầu là UBND thành phố Bắc Kạn (87,461 điểm), tiếp theo là huyện Ngân Sơn và huyện Chợ Mới.

Lãnh đạo Sở GTVT chia sẻ kinh nghiệm nâng cao chỉ số cải cách hành chính

Báo cáo đề án 06 của cơ quan thường trực Tổ công tác cho thấy trong 2 tháng đầu năm 2024, Việc thực hiện dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên môi trường điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp DVCTT và hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu chuyên ngành trên địa bàn tỉnh đã góp phần giải quyết TTHC cho người dân nhanh chóng, hiệu quả, đáp ứng việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của người dân, từng bước nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp và phục vụ tốt công tác quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh. Việc áp dụng giải pháp “Ngày dịch vụ công trực tuyến” đem lại hiệu quả và tạo hiệu ứng tốt trong nhân dân, góp phần tăng tỷ lệ hồ sơ phát sinh qua DVCTT trên địa bàn tỉnh.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông báo cáo nhanh kết quả học tập kinh nghiệm chuyển đổi số tại một số địa phương. Một số nội dung được đề xuất nghiên cứu thí điểm áp dụng tại Bắc Kạn như mô hình chuyển đổi số trường học; thực hiện thí điểm việc chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến với một số thủ tục hành chính…

Đại diện các sở ngành, địa phương trao đổi nhiều ý kiến về kết quả xếp hạng, phân loại chỉ số cải cách hành chính và nhiệm vụ chuyển đổi số năm 2023 cũng như 3 tháng đầu năm 2024; giải trình một số nguyên nhân dẫn đến kết quả xếp hạng cải cách hành chính và chuyển đổi số tụt giảm. Trong đó, Sở Y tế kiến nghị một số tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính có cách tính điểm chưa phù hợp. Một số đơn vị làm rõ về những tiêu chí bị mất điểm do nguyên nhân khách quan…

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đăng Bình yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông khẩn trương tham mưu cho UBND tỉnh kế hoạch nhiệm vụ chuyển đổi số, trong đó cần xác định rõ các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, tiến độ thực hiện, nâng cao thứ hạng DTI của tỉnh. Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố khẩn trương xây dựng Kế hoạch chuyển đổi số tại đơn vị, địa phương đảm bảo phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công nghệ số cộng đồng.

Đối với lĩnh vực cải cách hành chính, Chủ tịch tỉnh biểu dương các đơn vị có thành tích cao trong năm 2023, các đơn vị, địa phương đã có nhiều cố gắng, có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, phấn đấu nâng cao xếp hạng chỉ số CCHC của đơn vị.  Đồng thời yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tiến hành rà soát các lĩnh vực CCHC đạt điểm thấp, tìm ra nguyên nhân để chủ động khắc phục hạn chế. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC. Tiếp tục rà soát hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu để sẵn sàng kết nối chia sẻ dữ liệu; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ đầu vào, tập trung chỉ đạo giải quyết TTHC đúng, trước hạn. Rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC để cung cấp dịch vụ công trực tuyến; triển khai thực hiện thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng dịch vụ công quốc gia theo quy định, đặc biệt chấn chỉnh tình trạng hồ sơ quá hạn. Nghiên cứu, triển khai những sáng kiến hay, xây dựng các mô hình chuyển đổi số, CCHC phù hợp.

Đối với Đề án 06, các địa phương, đơn vị cần chủ động rà soát lại toàn bộ các nhiệm vụ liên quan đến triển khai Đề án 06, tập trung hoàn thiện, ưu tiên làm trước, dứt điểm các nhiệm vụ gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp như việc đồng bộ, làm sạch dữ liệu hộ tịch, thuế, bảo hiểm, giáo dục, y tế, lao động việc làm, số thuê bao di động ngay trong năm 2024 và dữ liệu đất đai chậm nhất trong năm 2025 để phục vụ kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến…/.

Thu Hiền