Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 22/03/2024 - Lượt xem: 83
Xem với cỡ chữ

Nỗ lực chuyển đổi số ở tỉnh miền núi Bắc Kạn

Là một trong những tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, với quyết tâm vì sự phát triển bền vững, Bắc Kạn đang từng ngày nỗ lực triển khai, thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn, bước đầu mang lại những hiệu quả tích cực cho sự phát triển của địa phương.

Phát triển hạ tầng phục vụ chuyển đổi số

Mặc dù là tỉnh miền núi nhưng hiện nay Bắc Kạn có hạ tầng viễn thông cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, mạng lưới viễn thông của tỉnh đã kết nối thông suốt 3 cấp, đảm bảo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị, địa phương, đáp ứng cơ bản nhu cầu ứng dụng và phát triển CNTT, chuyển đổi số của người dân, doanh nghiệp. Cụ thể: 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G; quang hóa 100% hạ tầng đường truyền tới các cơ quan, đơn vị, địa phương; 100% cơ quan, đơn vị, địa phương được kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và được chuẩn hóa kết nối giám sát 4 cấp hành chính.

Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 7.285 km cáp quang, 882 trạm BTS, 01 trạm điều khiển thông tin di động BS (tăng so với năm 2022 là 69.751 thuê bao điện thoại, 90.462 thuê bao smartphone, 70.191 thuê bao Internet, 1.020 km cáp quang, 210 trạm BTS). Tỷ lệ dân số được phủ sóng 4G đạt 96%. Tỷ lệ người dân sử dụng Internet đạt 96,4%. Số thuê bao sử dụng smartphone đạt 312.695 thuê bao; Tỷ lệ người dùng smartphone/người dùng điện thoại di động đạt 84,1%. Hiện nay, tỉnh đang triển khai hệ thống mạng diện rộng WAN trên nền tảng mạng truyền số liệu chuyên dùng cho các Sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện/thành phố và UBND các xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh Bắc Kạn được triển khai theo hướng công nghệ điện toán đám mây …Hệ thống máy chủ ảo hóa của Trung tâm dữ liệu gồm 05 máy chủ vật lý cung cấp tài nguyên cho 148 máy chủ ảo hóa chạy song hành được quản lý tập trung, đang đáp ứng tốt cho hoạt động của các hệ thống dịch vụ và có thể tạo thêm các máy chủ ảo hóa để triển khai các hệ thống dịch vụ. Năm 2023, Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh tiếp tục được nâng cấp, mở rộng hệ thống máy chủ, thiết bị lưu trữ. Hiện nay, Trung tâm đã đáp ứng yêu cầu sử dụng của các hệ thống dịch vụ và ứng dụng của tỉnh như: Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; hệ thống thông tin giải quyết TTHC; hệ thống thư điện tử công vụ; Cổng thông tin điện tử tỉnh; phần mềm quản lý cán bộ, công chức, viên chức và hợp đồng lao động; phần mềm quản lý hồ sơ lưu trữ điện tử; phần mềm công báo tỉnh... Trong năm 2023, đã có thêm 09 Hệ thống thông tin của các sở ngành (Sở Tài chính, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Dân tộc, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo) được cài đặt, vận hành tại trung tâm dữ liệu, nâng số lượng hệ thống đang cài đặt, vận hành tại Trung tâm lên 27 hệ thống.

Tỉnh đã hoàn thành việc hợp nhất Cổng dịch vụ công trực tuyến và Một của điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đáp ứng yêu cầu chức năng, tính năng kỹ thuật theo quy định; sử dụng công nghệ IPv6 và đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL quốc gia về dân cư và duy trì, hoàn thiện, thúc đẩy việc kết nối hệ thống đến hệ thống thông tin, CSDL các bộ, ngành Trung ương, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị, địa phương trong thực hiện giải quyết TTHC.

Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến được kết nối từ cấp tỉnh đến 108/108 xã, phường, thị trấn trên địa bàn với 118 điểm cầu. Trong năm 2023, tỉnh Bắc Kạn tiếp tục đầu tư mở rộng thêm 01 điểm cầu tại Hội trường tỉnh và thực hiện việc đầu tư mua sắm thiết bị MCU để chủ động trong công tác tổ chức, quản lý các cuộc họp và đáp ứng yêu cầu quản lý, giám sát bảo mật theo đề nghị của Ban Cơ yếu Chính phủ. Năm 2023, hệ thống đã phục vụ 85 cuộc họp trực tuyến của tỉnh (bao gồm các cuộc họp được kết nối từ điểm cầu Trung ương đến tỉnh, huyện và cấp xã).

Với những điều kiện cơ bản hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và hạ tầng trung tâm dữ liệu đáp ứng được yêu cầu về chuyển đổi số, đây là nền tảng quan trọng quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số cũng là điều kiện thuận lợi để Bắc Kạn có thể đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số một cách mạnh mẽ.

Lấy người dân làm trung tâm

Quá trình chuyển đổi số phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, định hướng mở để người dân, doanh nghiệp và các tổ chức tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan Nhà nước, tương tác với cơ quan Nhà nước để tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cũng tạo ra giá trị cho xã hội; chú trọng thực hiện các giải pháp chuyển đổi nhận thức cho toàn dân.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ và có trọng tâm trọng điểm ở các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tuyên truyền, hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 03 cấp (tỉnh/huyện/xã) với tổng số đại biểu tham gia trên 3.800 người và Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu về chuyển đổi số” năm 2023 đã thu hút 21.217 người tham gia dự thi. Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức tuyên truyền về chuyển đổi số trong Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2023:  Công an tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, UBND các huyện/thành phố và các đơn vị doanh nghiệp viễn thông - CNTT đã thực hiện công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác cài đặt, trải nghiệm và sử dụng: VneID; VSSID; hồ sơ sức khỏe điện tử; chuẩn hóa thông tin thuê bao di động; ứng dụng thanh toán điện tử, chữ ký số công cộng… Kết quả có hơn 82.000 lượt người dân/hộ gia đình được tuyên truyền về chuyển đổi số.


Lãnh đạo tỉnh thăm quan mô hình trưng bày công nghệ của doanh nghiệp tại Hội nghị tuyên truyền,
hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và Ngày chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn năm 2023

Theo số liệu thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thành lập 108/108 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã với 1.014 thành viên tham gia; 1.292/1.092 Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn với 5.689 thành viên tham gia. Trong năm 2023, 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về nhận thức, kỹ năng chuyển đổi số. Nhiều tổ công nghệ số cộng đồng đã tham gia tích cực các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn tại Ngày hội chuyển đổi số, thí điểm chuyển đổi số tại 8 xã, phường, các hoạt động tuyên truyền chuyển đổi số tại Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố đã chủ động tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan, đơn vị, địa phương. Năm 2023, có trên 50% công chức, viên chức được bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số; Tỷ lệ các cơ sở giáo dục từ tiểu học đến trung học phổ thông thực hiện chuyển đổi số đạt 100%; Tỷ lệ các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, giáo dục nghề nghiệp thực hiện chuyển đổi số đạt 100%.

Với tinh thần “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, tỉnh Bắc Kạn đang nỗ lực từng ngày để công tác chuyển đổi số được triển khai sâu rộng, hiệu quả và mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan đơn vị. Cùng với đó, tuyên truyền rộng rãi tới nhân dân, khiến người dân thay đổi thói quen, nhận thức đúng về chuyển đổi số, đem lại những lợi ích thiết thực phục vụ cho chính đời sống của người dân./.

Nguyễn Nga