Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 26/04/2024 - Lượt xem: 49
Xem với cỡ chữ

Phiên họp thứ 8 Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số

Sáng ngày 24/4, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tổ chức phiên họp thứ 8 trực tuyến toàn quốc với các bộ, ngành và địa phương. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị. Tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn, dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đăng Bình - Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, huyện/thành phố - thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh.

 

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp lần thứ 8
của Ủy ban Chuyển đổi số quốc gia (Ảnh:VGP)

Báo cáo của Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia trình bày tại Hội nghị cho thấy, 4 tháng đầu năm 2024, hoạt động chuyển đổi số quốc gia đạt được những kết quả khá quan trọng.

Trong 04 tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các văn bản, chính sách để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác ứng dụng ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Cụ thể, Chính phủ đã ban hành 02 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 05 Quyết định, 02 Chỉ thị; các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Đến nay, 21 bộ ngành và 62 địa phương đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024, trong đó xác định cụ thể các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực theo chức năng, phạm vi quản lý của các bộ, ngành, địa phương.

Về phát triển dữ liệu số: Các cơ quan nhà nước tiếp tục khai thác, vận hành hiệu quả các cơ sở dữ liệu quốc gia trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội. Đến nay, có 14 bộ ngành, 52 địa phương đã ban hành danh mục cơ sở dữ liệu, tăng 11% so với năm 2023. Tổng số cơ sở dữ liệu thuộc các ngành, lĩnh vực hiện có 2.398 cơ sở dữ liệu. Đến hết Quý I/2024 đã có 11 bộ, ngành; Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và 43 địa phương ban hành danh mục, kế hoạch cung cấp dữ liệu mở, đạt tỷ lệ 64%, tăng 07% so với năm 2023. Điển hình về phát triển dữ liệu số có thể kể đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP); kho dữ liệu điện tử người dân ở Đà Nẵng.

Thực hiện phát triển hạ tầng số, trong Quý I/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành việc thực hiện đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đối với các băng tần triển khai 5G. Đã cấp phép kinh doanh dịch vụ 5G, giấy phép sử dụng băng tần số cho doanh nghiệp trúng đấu giá được phép chính thức triển khai, phát triển mạng di động 5G và cung cấp dịch vụ 5G thương mại cho thị trường. Cho đến nay có 80,2% hộ gia đình sử dụng cáp quang Internet băng rộng và 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Internet băng rộng di động 4G phủ đến cấp thôn, bản đạt yêu cầu chất lượng dịch vụ theo quy chuẩn quốc gia

Bộ Thông tin và Truyền thông, các bộ, ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế số. Theo số liệu ước tính, tỷ trọng kinh tế số trên GDP đạt 16,5%, trong đó tỷ trọng kinh tế số lõi ICT chiếm hơn 60%; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực ước đạt 6,58%, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt khoảng 8%6 , tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử trong lĩnh vực điện lực đạt 100%, lĩnh vực ngân hàng đạt 42,4%7 . Doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt khoảng 138,5 tỷ USD giảm 4,46% so với năm 2022; số lượng doanh nghiệp CNTT đang hoạt động ước đạt khoảng 45.500 doanh nghiệp.

Về phát triển Chính phủ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp: Hiện nay, 100% các bộ, ngành, địa phương có cung cấp DVC trực tuyến đã ban hành danh mục DVC trực tuyến toàn trình, DVC trực tuyến một phần. 80,44% TTHC đủ điều kiện cung cấp DVC trực tuyến toàn trình được cung cấp DVC trực tuyến; 47,79% thủ tục hành chính đủ điều kiện cung cấp DVC trực tuyến toàn trình được cung cấp DVC trực tuyến toàn trình.

Trong Quý I/2024, ứng dụng định danh cá nhân VNeID đã được tích hợp 08 dịch vụ tiện ích. Đến hết tháng 3/2024 đã có 29,3 triệu lượt truy cập (tăng trên 3 triệu lượt so với tháng 2/2024). Thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh, phối hợp với Bộ Công an thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng. Hiện nay, tổng số hệ thống thông tin của cả nước là 3.418 hệ thống, trong đó số hệ thống thông tin được phê duyệt cấp độ an toàn là 2.365 hệ thống, đạt tỷ lệ 68,2%, tăng 09% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, trong từng lĩnh vực của công tác chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế nhất định, đó là: Một số nghị định hướng dẫn luật triển khai còn chậm. Nhiều đơn  vị chưa có Kế hoạch thực hiện Đề án Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật về chuyển đổi số từ Trung ương đến địa phương đến năm 2025, định hướng năm 2030 theo Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 26/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ;

Tại các bộ, ngành mô hình hoạt động của đơn vị chuyên trách CNTT, chuyển đổi số chưa thống nhất, một số đơn vị gặp khó khăn trong công tác tham mưu, quản lý, tổ chức triển khai chuyển đổi số; tại các địa phương tổ chức bộ máy, nhân sự tại các Sở Thông tin và Truyền thông còn mỏng…

Tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính còn thấp. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục CSDL và danh mục dữ liệu mở. Việc thống kê, đo lường các chỉ tiêu kinh tế số và xã hội số còn gặp nhiều khó khăn do hiện nay chưa có đủ nguồn thông tin để cập nhật…

Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định một số nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong thời gian tới cần tập trung triển khai đó là: Ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, tập trung hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ trong xây dựng thể chế, hoạt động số hóa các ngành kinh tế, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Tập trung phát triển các nền tảng, ứng dụng số; phát triển dữ liệu số; đảm bảo an toàn thông tin mạng…

Đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã trao đổi một số mô hình, cách làm hay trong công tác chuyển đổi số như: Bộ Nông nghiệp chia sẻ về Đề án trí thức hóa nông dân; UBND tỉnh Bình Thuận báo cáo kết quả chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch; Tỉnh Đồng Tháp chia sẻ kinh nghiệm xây dựng nền tảng dữ liệu số nông nghiệp…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ TTTT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của bộ ngành, địa phương, báo cáo Chính phủ kịp thời. Nhất quán chủ trương, tinh thần chung là huy động mọi nguồn lực thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, toàn diện, Thủ tướng Chính phủ chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm mà các địa phương, đơn vị cần đặc biệt chú trọng trong thực hiện chuyển đổi số, đó là: Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành cần đề cao vai trò người lãnh đạo cũng như cách thức làm việc linh hoạt, sáng tạo. Luôn lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm của chuyển đổi số, minh bạch hóa và tăng cường sự tham gia của người dân và doanh nghiệp trong mọi hoạt động. Chú trọng hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để chuyển đổi số toàn diện, mạnh mẽ. Coi trọng việc giữ kỷ luật kỷ cương, thực hiện triệt để phân cấp phân quyền, phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ. Tập trung giải pháp để cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến…

Thu Hiền