Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 25/10/2022 - Lượt xem: 54
Xem với cỡ chữ

Xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số

Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan hành chính, vận hành đồng bộ cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông... là những điểm sáng trong công tác cải cách hành chính của Bắc Kạn thời gian qua. Tỉnh đang hướng đến mục tiêu tiếp tục xây dựng, phát triển các hệ thống nền tảng chính quyền điện tử hướng tới xây dựng đô thị thông minh; đẩy mạnh ứng dụng CNTT kết hợp khoa học công nghệ, dần hình thành “Công dân điện tử”, xây dựng chính phủ số, kinh tế số và xã hội số trong tương lai, gắn chặt với công tác đảm bảo ATTT, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Tăng cường ứng dụng CNTT trong hoạt động các cơ quan Nhà nước

Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ  theo Nghị quyết số 30/NQ-CP, Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016 -2020 theo Quyết định số 225/QĐ-TTg, cùng với việc đổi mới phương thức phục vụ, Bắc Kạn tập trung gắn ứng dụng CNTT với cải cách hành chính.

Đến nay, phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc đã được vận hành hiệu quả với 624 đầu mối sử dụng tại tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đồng thời liên thông gửi - nhận văn bản 4 cấp, từ cấp xã đến các bộ, ngành trung ương; 100% văn bản (không thuộc diện bí mật Nhà nước) trao đổi giữa các cơ quan, đơn vị từ cấp huyện trở lên đều được gửi bản điện tử có chữ ký số, trong đó có khoảng 80% văn bản chỉ gửi bản điện tử, 20% là các văn bản gửi song song bản điện tử và bản giấy theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủViệc sử dụng văn bản điện tử đã giúp các đơn vị, địa phương tiết kiệm chi phí văn phòng phẩm và cước phí gửi văn bản, theo ước tính từ năm 2017 đến nay, số kinh phí tiết kiệm trung bình mỗi năm đạt trên 07 tỷ đồng, quan trọng hơn là giúp việc chỉ đạo, điều hành của các đơn vị nhanh, kịp thời, minh bạch và hiệu quả.

Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh, được triển khai chung cả tỉnh, cho đến nay, hệ thống đã cấp gần 7000 tài khoản cho cán bộ, công chức, viên chức và tài khoản tổ chức thuộc các cơ quan đơn vị trong tỉnh. Tỷ lệ sử dụng hòm thư trung bình trong tháng đến nay đạt trên 90%.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Bắc Kạn đã cấp 3.229 chứng thư số chuyên dùng (gồm chứng thư số của tổ chức và cá nhân). Việc tích hợp chức năng ký số và xác thực điện tử được thực hiện trên 3 hệ thống dùng chung của tỉnh (Phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống công báo điện tử; Hệ thống thư điện tử công vụ của tỉnh) nhằm đảm bảo cho người dùng thực hiện được thao tác ký, xác thực chữ ký điện tử một cách thuận tiện.

Bên cạnh đó, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu khác cũng đã được triển khai  và duy trì sử dụng như: Hệ thống đấu thầu qua mạng; cơ sở dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành và quyết toán ngân sách, cơ sở dữ liệu công chứng, cơ sở dữ liệu về sổ sức khỏe điện tử; Phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; hệ thống thông tin quản lý giáo dục trực tuyến EMIS (thống kê số liệu về lĩnh vực giáo dục), hệ thống quản lý trong nhà trường theo mô hình trực tuyến; hệ thống wifi công cộng của tỉnh…

Nâng chất lượng dịch vụ công

Thời gian qua, Bắc Kạn đã duy trì vận hành có hiệu quả hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao được triển khai từ cuối năm 2017 cho 146 cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã. Đầu năm 2020, Phần mềm cũng đã được thay đổi, cập nhật cho các đơn vị, địa phương do sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh, theo đó, số đơn vị sử dụng phần mềm hiện tại là 132 đơn vị. Năm 2018, hệ thống đã tiếp nhận và xử lý 73.138 hồ sơ TTHC; năm 2019 hệ thống đã tiếp nhận 133.802 hồ sơ; quý I/2020 hệ thống tiếp nhận 34.374 hồ sơ (cao hơn cùng kỳ năm 2019 là 7.006 hồ sơ).

Qua hệ thống, việc cung cấp và xử lý hồ sơ trực tuyến của tỉnh cũng đã tăng lên hàng năm. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực truyến mức độ 3 ở cấp tỉnh đạt 77%, ở cấp huyện đạt 81%. Tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực truyến mức độ 4 ở cấp tỉnh đạt 24%, ở cấp huyện đạt 9%. Có 15 sở, ngành thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh; 100% TTHC giải quyết tại Trung tâm Phục vụ hành chính công được tiếp nhận, xử lý qua hệ thống Một cửa điện tử. Với số lượng hồ sơ trực tuyến, năm 2018, hệ thống đã tiếp nhận 6.391 hồ sơ trực tuyến mức độ 3, 1.254 hồ sơ trực tuyến mức độ 4; Trong năm 2019, tỉnh đã phát sinh 9.309 hồ sơ mức độ 3, 12.648 hồ sơ mức độ 4 (tổng cộng hồ sơ mức độ 3, 4 là 21.957, tăng 11.596 hồ sơ so với năm 2018).

Cổng dịch vụ công của tỉnh được kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia

Cổng dịch vụ công của tỉnh, được xây dựng từ năm 2017 theo hệ thống "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Hệ thống đã được kết nối đến Cổng dịch vụ công Quốc gia theo quy định của Chính phủ; đáp ứng các chức năng cơ bản về việc cung cấp thông tin, danh mục TTHC, Dịch vụ công trực tuyến; tra cứu hồ sơ; tổng hợp thống kê số hồ sơ TTHC phát sinh. Hiện tại, tỉnh đang triển khai thực hiện nâng cấp hệ thống này nhằm đảm bảo các chức năng, tính năng quy định hiện nay.

Tích hợp đồng bộ các hệ thống thông tin

Thời gian qua, các phần mềm dùng chung của tỉnh được nâng cấp và triển khai theo hướng tập trung. Hiện nay, tỉnh có 05 hệ thống phần mềm dùng chung (Phần mềm Quản lý văn bản và hồ sơ công việc; Hệ thống Thư điện tử công vụ của tỉnh; Hệ thống phần mềm "Một cửa điện tử", "Một cửa điện tử liên thông" và dịch vụ công trực tuyến mức độ cao; Các trang, cổng thông tin điện tử và chuyên ngành; Hệ thống quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo Hợp đồng 68). Ngoài ra, còn có các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành tiếp tục được triển khai và duy trì sử dụng tốt (CSDL đất đai được xây dựng hoàn thành tại 02 huyện; Hệ thống đấu thầu qua mạng; CSDL phục vụ quản lý, điều hành và quyết toán ngân sách, CSDL công chứng, CSDL về Sổ sức khỏe điện tử; Phần mềm quản lý khám chữa bệnh và thanh toán bảo hiểm y tế; hệ thống thông tin quản lý giáo dục trực tuyến EMIS (thống kê số liệu về lĩnh vực giáo dục), hệ thống quản lý trong nhà trường theo mô hình trực tuyến; hệ thống wifi công cộng của tỉnh….).

Năm 2019, tỉnh tiếp nhận nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) do Bộ Thông tin và Truyền thông chuyển giao. Đến nay, hệ thống thực hiện kết nối thông qua LGSP để từ hệ thống thông tin “Một cửa điện tử”, “Một cửa điện tử liên thông” và Dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của tỉnh đến 05 hệ thống của các Bộ, ngành Trung ương (Lý lịch tư pháp; Đăng ký và quản lý hộ tịch, đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi (Bộ Tư pháp); Đăng ký doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia KeyPay thực hiện các giải pháp hỗ trợ các cơ quan nhà nước thanh toán trực tuyến cho các Dịch vụ công trực tuyến (Mức 3, 4) cho cổng dịch vụ công Bắc Kạn (Bộ Công thương); Dịch vụ VNPost (Tổng công ty Bưu điện Việt Nam). Thông qua hình thức kết nối này, các hệ thống sẽ chia sẻ dữ liệu với nhau, giúp cho cán bộ của các đơn vị không cần nhập lại các dữ liệu trùng lặp; đồng thời, những TTHC liên thông như cấp giấy khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 06 tuổi được luân chuyển hồ sơ và quy trình xử lý trực tuyến trên hệ thống.

***

Công nghệ thông tin đã và đang tạo nên một thế giới mà ở đó ranh giới giữa các khu vực vùng miền không còn nữa. Tận dụng lợi thế đó, với nỗ lực và quyết tâm, tỉnh Bắc Kạn đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu chung nhằm xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, đổi mới lề lối, phương thức làm việc phục vụ người dân và doanh nghiệp, thực hiện chuyển đổi số quốc gia hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia./.

Nguyễn Nga