Thứ Sáu, 06/09/2024
Ngày đăng: 11/07/2024 - Lượt xem: 27
Xem với cỡ chữ

Sơ kết 6 tháng đầu năm về chuyển đổi số và Đề án 06 toàn quốc

Chiều 10/7/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì phiên họp lần thứ 9 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06. Phiên họp kết nối trực tuyến toàn quốc với 63 tỉnh, thành phố.

Dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có đồng chí Phạm Duy Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo về Chuyển đổi số tỉnh; thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc Đề án 06 tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ tì phiên họp (Ảnh: internet)

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh chuyển đổi số đã trở thành xu thế tất yếu, yêu cầu khách quan và lựa chọn chiến lược của nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, chuyển đổi số đã đến “từng ngõ, từng nhà, từng người". Thủ tướng nhấn mạnh, để hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06, phía trước còn rất nhiều việc phải làm; Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích, đánh giá thẳng thắn, rõ ràng, khách quan, minh chứng bằng số liệu cụ thể việc triển khai thực hiện Kế hoạch hành động năm 2024 và những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024.

Nhận diện các tồn tại, hạn chế, yếu kém, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, nhất là về thể chế, cơ chế, chính sách; chỉ rõ những nội dung còn chậm tiến độ, xác định nguyên nhân, rút ra các bài học kinh nghiệm. Cùng với đó, chia sẻ những kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành và tổ chức thực hiện và xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá thời gian tới.

Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại phiên họp chỉ ra một số kết quả chuyển đổi số nổi bật trong 6 tháng đầu năm 2024. Theo đó, về dịch vụ công trực tuyến, tỉ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình (trên tổng số hồ sơ thủ tục hành chính) cả nước đạt 42% (cuối năm 2023 là 17%); bộ, ngành đạt 61% (cuối năm 2023 là 38%); địa phương đạt 17% (cuối năm 2023 là 9%).

Đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn

Về phát triển dữ liệu số: Các cơ quan nhà nước tiếp tục tạo lập, khai thác sử dụng, vận hành các Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành trong quản lý, điều hành kinh tế xã hội. Các CSDL quốc gia thường xuyên được phát triển, tạo lập, chia sẻ, khai thác dữ liệu tốt, hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp…

Về quản trị số, lần đầu tiên sau hơn 20 năm, việc giám sát, đo lường dịch vụ công trực tuyến được thực hiện tự động, online; hệ thống giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện đánh giá chất lượng online. Cũng trong 6 tháng qua, lần đầu tiên Việt Nam đo lường chất lượng mạng viễn thông di động và băng rộng cố định trực tuyến bằng công cụ Make in Vietnam.

Cùng với đó, giao dịch chia sẻ dữ liệu giữa các nền tảng, hệ thống thông tin qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia 6 tháng đầu năm tăng mạnh 67% so với cùng kỳ năm 2023.

Về hạ tầng số, toàn quốc có thêm khoảng 687.000 hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng so với cuối năm 2023, nâng tỉ lệ hộ gia đình sử dụng Internet cáp quang băng rộng đạt 82,2% (tăng 2,6% so với cuối năm 2023 là 79,6%). Toàn quốc có thêm trên 3,8 triệu thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, nâng tỉ lệ thuê bao điện thoại di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 84%. Việt Nam có thêm 1 Trung tâm dữ liệu hiện đại, lớn nhất cả nước của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) với công suất 30 MW…

Về kinh tế số: Kinh tế số 06 tháng đầu năm ước đạt tăng trưởng 22,4% và tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước đạt 18,3%. Thương mại điện tử (TMĐT): 6 tháng đầu năm 2024 tăng trưởng mạnh: ước đạt 49% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu lĩnh vực công nghệ thông tin (kinh tế số ICT) ước đạt 1.928.311 tỷ đồng, tăng trưởng 26% so với cùng kỳ năm 2023.

Về xã hội số: Tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87,08% (tăng 9,67% so với cuối năm 2023), vượt mục tiêu đề ra cho năm 2025. - Về cấp chữ ký số cho người dân: đến thời điểm hiện nay đã cấp được 10.126.828 chữ ký số, tăng 1.541.677 chữ ký số so với cuối năm 2023. Bộ Công an cấp trên 86,3 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp và đã thu nhận trên 75,7 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 5,5 triệu tài khoản so với tháng 12/2023, vượt chỉ tiêu Thủ tướng giao)…

Đối với Đề án 06, 6 tháng đầu năm Tổ công tác triển khai Đề án đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, địa phương đẩy mạnh hoàn thiện 5 nhóm vấn đề về Pháp lý, hạ tầng công nghệ, dữ liệu, an ninh an toàn bảo mật và nguồn lực triển khai và đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, về dữ liệu, tính đến hết tháng 6/2024, tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC của cấp Bộ là 46,36%, của địa phương đạt 58,12%. 18 bộ ngành và 63 địa phương đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa CSDL quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Cổng DVC quốc gia cung cấp hơn 4.500 dịch vụ công trực tuyến, có 16,39 triệu tài khoản. Cả nước có 65.786 doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền…

Qua nghe các báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Thủ tướng ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ, ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06; sự đồng lòng, ủng hộ và tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ rõ, chuyển đổi số quốc gia và triển khai Đề án 06 còn có những tồn tại, hạn chế, một số nhiệm vụ chậm tiến độ. Phát triển kinh tế số chưa tương xứng với tiềm năng, đầu tư còn dàn trải. Phát triển hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt, co cụm dữ liệu”. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao. Nhân lực cho chuyển đổi số, Đề án 06 còn chưa đáp ứng nhu cầu cả về số lượng, chất lượng, phân bổ chưa đồng đều, nhất là nhân lực trình độ cao và nhân lực trong các ngành kinh tế mới nổi…

Thủ tướng chỉ rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt, trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức trong các cấp, các ngành và người dân, doanh nghiệp về vị trí, vai trò, tầm quan trọng, sức ảnh hưởng, lan tỏa và vai trò động lực phát triển, động lực tăng trưởng của chuyển đổi số; tập trung xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia.

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp về chuyển đổi số đã đề ra, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm phải có sản phẩm, hiệu quả cụ thể…/.

Thu Hiền