Chủ Nhật, 06/10/2024
Ngày đăng: 22/07/2024 - Lượt xem: 41
Xem với cỡ chữ

Tập trung tạo nguồn nhân lực cho chuyển đổi số

Từ thực tế triển khai chuyển đổi số cho thấy, con người là yếu tố quyết định cho quá trình chuyển đổi số và việc chuẩn bị nhân tố con người để sẵn sàng cho quá trình đổi số cần được đặt lên hàng đầu như chìa khóa của chuyển đổi số.

Thiếu hụt nhân lực công nghệ thông tin

Quang cảnh một phiên họp về công tác chuyển đổi số tại trụ sở UBND tỉnh

Liên tiếp 2 năm liền (2021, 2022), Bắc Kạn xếp ở vị trí những địa phương có mức độ chuyển đổi số thấp trên cả nước. Để cải thiện tình trạng này, tỉnh đã tổ chức nhiều phiên họp phân tích tình hình, nhằm nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, khó khăn và đưa ra những giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, đặc biệt một trong những hạn chế mà tỉnh cho rằng phải khẩn trương khắc phục ngay đó là nhân lực số của tỉnh hiện thiếu và yếu.

Thống kê từ Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 60 công chức, viên chức chuyên trách về chuyển đổi số; 840 công chức, viên chức kiêm nhiệm về chuyển đổi số (chủ yếu là thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số của các đơn vị, địa phương). Trong đó, số lượng công chức, viên chức chuyên trách, kiêm nhiệm về An toàn thông tin mạng là 158 người.

Với đặc thù của tỉnh miền núi, nguồn nhân lực tham mưu/phụ trách hoạt động chuyển đổi số tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương còn thiếu; chưa có chuyên môn sâu về CNTT cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển ứng dụng CNTT, nhất là hoạt động an ninh mạng, an toàn thông tin.

Công chức chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị mới chỉ đáp ứng những yêu cầu cơ bản; phần lớn chưa quản lý, vận hành và hướng dẫn sử dụng được các hệ thống CNTT, phần mềm dùng chung của tỉnh, phần mềm chuyên ngành mà chủ yếu phụ thuộc vào cơ quan chuyên môn của tỉnh và đơn vị cung cấp phần mềm. Nguyên nhân do công chức chuyên trách CNTT tại các cơ quan, đơn vị phải kiêm nhiệm nhiều công việc nên khó để đầu tư nghiên cứu chuyên sâu. 

Trình độ ứng dụng CNTT của cán bộ công chức, viên chức trong tỉnh mới ở mức phổ cập các kiến thức cơ bản nên việc khai thác, sử dụng hệ thống thông tin, đặc biệt là phần mềm dùng chung của tỉnh còn hạn chế. Ngoài ra, tỉnh chưa có chính sách riêng để thúc đẩy và phát triển nguồn nhân lực CNTT. Cụ thể là thiếu cơ chế đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức ngành CNTT; chưa có chính sách đãi ngộ đối với công chức chuyên trách CNTT nên khó thu hút nguồn nhân lực giỏi về CNTT vào làm việc trong các cơ quan nhà nước.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực “tại chỗ”

Nhân lực số là lực lượng lao động có năng lực làm chủ thiết bị công nghệ số, có tư duy đột phá, sáng tạo, có khả năng thích ứng nhanh với môi trường lao động và sự biến đổi của khoa học công nghệ. Nhân lực số giữ vị trí then chốt để thực hiện chuyển đổi số thành công. Những năm qua, công tác phát triển nhân lực số được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Chính phủ, các bộ, ngành đã từng bước xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về phát triển nhân lực số. Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022.

Xác định, chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Để CĐS thành công, một trong những giải pháp quan trọng mà tỉnh Bắc Kạn đặt ra chính là tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy từ tỉnh đến cơ sở và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (NNL) cho công cuộc CĐS, đủ năng lực tiếp cận xu thế phát triển của thế giới trong thời đại số. Trong đó, với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao thì việc phải tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT càng cấp thiết. 

Gấp rút triển khai các khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số trên nền tảng MOOCs theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung chỉ đạo, triển khai khoá bồi dưỡng cho 211 học viên (là thành viên Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, cán bộ, công chức, viên chức chuyên trách chuyển đổi số cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã). Tính đến tháng 6/2024, đã có 166/208 học viên hoàn thành khóa học, trong đó tỷ lệ thành viên Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã hoàn thành khoá học đạt 100%. Số học viên còn lại, tỉnh đã ban hành văn bản đôn đốc, khẩn trương hoàn thành khóa học theo yêu cầu.

Tỉnh Bắc Kạn triển khai các khóa học chuyển đổi số trên nền tảng
học trực tuyến mở đại trà

Để hình thành mạng lưới chuyển đổi số, tỉnh Bắc Kạn đã chủ trương triển khai 07 khóa học trực tuyến trên nền tảng MOOCs với tên miền riêng của tỉnh tại địa chỉ: https://backanmooc.mobiedu.vn/ cho 4.000 cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương. Thời gian tổ chức từ ngày 15/6/2024 đến ngày 30/9/2024.

Bên cạnh đó, một số đơn vị, địa phương của tỉnh đã chủ động thực hiện các hoạt động tập huấn, tuyên truyền về chuyển đổi số như: UBND huyện Na Rì tổ chức tập huấn cho 212 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn; UBND thành phố Bắc Kạn tổ chức tập huấn, tuyên truyền nâng cao kỹ năng về an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho 100 cán bộ, công chức, viên chức của địa phương; UBND huyện Ngân Sơn đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho người dân trong Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện Ngân Sơn.

Chuyển đổi số cần sự chung tay của người dân và sự tham gia vào cuộc của các doanh nghiệp; đồng thời, chuyển đổi nhận thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương; xây dựng mạng lưới chuyển đổi số đến cấp xã, với đội ngũ nhân lực được tổ chức bài bản, đồng bộ, thường xuyên; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức chuyển đổi số, kỹ năng số để trực tiếp triển khai công tác chuyển đổi số đến từng cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực số, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Trọng tâm là tổ chức các chuyên đề tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và nâng cao kiến thức, nghiệp vụ quản lý nhà nước trên nền tảng chuyển đổi số cho các cấp lãnh đạo từ tỉnh đến xã. Thông qua các lớp tập huấn nhằm thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, từng người dân, gắn với cuộc sống của người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số. Qua đó, trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hơn; giúp nhân dân sử dụng thành thạo các nền tảng số, ứng dụng số cơ bản tương tác với chính quyền, tham gia phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số và thực sự trở thành công dân số. 

Từ thực tế triển khai chuyển đổi số cho thấy, con người là yếu tố quyết định cho quá trình chuyển đổi số và việc chuẩn bị nhân tố con người để sẵn sàng cho quá trình đổi số cần được đặt lên hàng đầu như chìa khóa của chuyển đổi số. Đặc biệt, trong tiến trình chuyển đổi số mà tỉnh đang thực hiện, xây dựng nguồn "nhân lực số" và "công dân số" đáp ứng được yêu cầu của việc sáng tạo, quản trị, vận hành, khai thác hiệu quả các nền tảng số của tỉnh càng là yêu cầu được đặt ra cấp thiết./.

Nguyễn Nga